Ngăn chặn “mầm độc”

ANTĐ - Tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang manh nha phát triển ở Anh cũng như một số quốc gia châu Âu khác khiến chính giới ở châu lục này hết sức lo ngại.

Có những công dân châu Âu theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan
đã tham gia các cuộc thánh chiến ở Trung Đông

Không khỏi bất ngờ khi đích thân Thủ tướng Anh David Cameron phải lên tiếng cảnh báo và lo ngại về sự phát triển của tư tưởng Hồi giáo cực đoan trong giới trẻ đảo quốc sương mù. Trong bài viết trên tờ “Bưu điện Chủ nhật” ra ngày 15-6, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng các trường học ở Anh cần tôn trọng và tích cực thúc đẩy giáo dục những “giá trị Anh” nhằm ngăn chặn tư tưởng Hồi giáo cực đoan hiện có ảnh hưởng lớn tại quốc gia này.

Nhìn nhận trên đây được Thủ tướng Cameron đưa ra sau những quan ngại ngày càng tăng về việc những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Birmingham đã tiến hành một chiến dịch có tổ chức nhằm áp đặt hệ tư tưởng được xây dựng trên đức tin của đạo Hồi tại các trường học trong thành phố này. Những vụ việc đó đang làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tác động tới giới trẻ Anh, đồng thời cũng bộc lộ rõ những bất đồng trong chính phủ nước này xung quanh việc làm thế nào giải quyết vấn đề cực đoan tôn giáo.

Điều đáng nói là Thủ tướng Cameron không phải quan chức cấp cao đầu tiên của Anh công khai lên tiếng lo ngại và cảnh báo về sự phát triển của tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cho biết nước này đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để ngăn chặn điều mà bà gọi là “trào lưu cực đoan hóa” trong cộng đồng người Hồi giáo ở nước này khiến hàng nghìn người Anh có nguy cơ bị nhiễm tư tưởng “cực đoan hóa”.

Không chỉ truyền bá những tư tưởng Hồi giáo cực đoan, gần đây đã xuất hiện những thanh niên sinh ra và lớn lên ở Anh biến những tư tưởng “cực đoan hóa” thành những âm mưu, hành động khủng bố. Một trong những trường hợp điển hình là vụ tòa án Anh hồi tháng 2-1013 đã đưa ra xét xử 3 phần tử Hồi giáo cực đoan, là những thanh niên Anh từ 27 đến 31 tuổi, âm mưu tuyển chọn nhóm 6-8 thanh niên Anh để tiến hành hàng loạt vụ đánh bom khủng bố tương tự như vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001 và tấn công khủng bố ở Anh ngày 7-7-2005. 

“Mầm độc” tư tưởng Hồi giáo cực đoan nảy sinh trong giới trẻ hiện cũng là nỗi lo ngại sâu sắc, khiến nhiều nước châu Âu đang phải đau đầu đối phó.  Trong lúc cơ quan an ninh của Anh ước tính có tới vài trăm thanh niên người Anh sau khi cải đạo Hồi đã trở thành những phần tử cực đoan tới Syria tham chiến thì cảnh sát thành phố Strasbourg (Pháp) ngày 13-5 vừa qua thông báo đã bắt giữ 6 người tình nghi tham gia các hoạt động quân sự tại Syria theo những phần tử Hồi giáo cực đoan. 

Nhìn nhận về nguyên nhân khiến tư tưởng Hồi giáo cực đoan phát triển ở châu Âu, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - Đặc phái viên nhóm “Bộ tứ” bảo trợ tiến trình hòa bình Trung Đông cho rằng đó là do chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông, vốn là nguyên nhân gốc rễ gây ra bất ổn và xung đột tại khu vực này. Theo ông Blair, sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh toàn cầu vào đầu thế kỷ 21.