Ngăn chặn hành vi gây phân tâm người dân trên mạng, ảnh hưởng trật tự xã hội trong bối cảnh phòng dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với khả năng kết nối, lan tỏa thông tin nhanh chóng, rộng khắp, các mạng xã hội và những tiện ích đi kèm đã trở thành một trong những kênh giao tiếp thông dụng với nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị và lợi ích đem lại, mạng xã hội cũng đang bị lợi dụng để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.
Lực lượng chức năng xử phạt người thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

Lực lượng chức năng xử phạt người thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

Khi mạng xã hội bị lợi dụng cho những hành vi sai phạm

Gần đây, xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải những nội dung không phù hợp, gây bức xúc trong dư luận. Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây phản ứng trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Mới ngày 27-5 vừa rồi, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM đã ra quyết định xử phạt chủ kênh YouTube Timmy TV 15 triệu đồng do các hành vi: Cung cấp thông tin trên môi trường mạng, gây ảnh hưởng đến sự phát hiện lành mạnh của trẻ em; thông tin có nội dung mê tín, dị đoan và nội dung kinh dị, rùng rợn. Timmy TV đã phải gửi lời xin lỗi người xem và đóng kênh theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Dư luận cũng đang hết sức quan tâm đến vụ việc một cá nhân, mà theo như văn bản phản ánh của Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP.HCM, liên tục “livestream” xúc phạm, thóa mạ nhiều nghệ sĩ thuộc Hội. Tất nhiên, việc đúng sai của những thông tin được đưa lên mạng liên quan đến các nghệ sĩ thế nào cần phải đợi cơ quan chức năng xem xét, xác minh nhưng việc một cá nhân liên tục lên diễn đàn mạng thóa mạ, nói xấu người khác là vấn đề phải xem xét.

Bên cạnh đó, một trong những hành vi khá phổ biến trong sử dụng mạng xã hội là sự xuất hiện nhan nhản các video trên YouTube, Facebook có nội dung vô bổ, rẻ tiền. Đắm chìm trong thế giới ảo, chủ nhân của các video này sẵn sàng bất chấp, thách thức, bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa trong cuộc sống thực chỉ để đổi lấy việc tăng lượt “view” (xem), “like” (yêu thích), “share” (chia sẻ) trên mạng. Có thể kể ra ở đây những video như kiểu nấu cháo gà nguyên lông, nấu cơm bằng nước ngọt có ga, ăn bạch tuộc sống chưa qua sơ chế, tắm trong bỏng ngô, hay những thử thách rùng rợn, nguy hiểm như leo cột điện cao thế, một ngày sống trong quan tài...

Có những vlogger (người tạo dựng nội dung trên nền tảng video) thì dùng đủ loại chiêu trò để sản xuất các clip nhảm nhí, bất chấp những tác hại và hệ lụy đối với người xem và xã hội để thu hút được nhiều lượt yêu thích, theo dõi, bình luận nhằm mục đích là mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân. Đáng lo là những video như thế này có tần suất xuất hiện ngày một nhiều. Và dù bị nhận xét là lố lăng, vô bổ, thậm chí gây hại, chúng vẫn có đất sống bởi vẫn có những người dùng thiếu trách nhiệm hậu thuẫn.

Vì một cộng đồng mạng lành mạnh, ý thức và trách nhiệm

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet và ứng dụng mạng xã hội hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam năm 2020 là 68,17 triệu người, tăng 6,2 triệu người so với năm 2019; hơn 65 triệu người dùng các mạng xã hội: Facebook, YouTube, Zalo, FB Messenger, Instagram, Tiktok, Twitter…

Có thể khẳng định, hầu hết trong số hơn 65 triệu người Việt tham gia mạng xã hội đều có thái độ, tình cảm, trách nhiệm đúng mực với cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận tham gia mạng xã hội thiếu trách nhiệm, có những việc làm vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi cố tình làm hại lợi ích, xúc phạm danh dự của người khác, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, mạng xã hội ngày càng trở thành nhu cầu như “cơm ăn, nước uống”, việc sử dụng mạng xã hội lành mạnh, có ý thức, có trách nhiệm là điều mỗi người cần phải quan tâm. Trước hết là việc tuyên truyền để mỗi người dân hiểu về văn hóa ứng xử trên môi trường mạng, nắm được những quy định như không được xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác, thông tin bịa đặt, sai sự thật, phá hoại thuần phong mỹ tục...

Mạng xã hội luôn rộng mở với mỗi người nhưng việc sử dụng mạng xã hội không đúng cách có thể khiến người dùng bị phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Chẳng hạn, Điều 21 của Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Trường hợp có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155) hoặc tội vu khống (Điều 156) theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 15-4-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cũng quy định rất rõ mức xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Mới đây nhất, ngày 28-5-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Công văn 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Trước hiện tượng một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép..., Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.

Với mỗi người tham gia mạng xã hội, điều quan trọng là cần có ý thức, thể hiện mình là người có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của người khác. Từ đó mà có trách nhiệm với mỗi bài viết, mỗi hình ảnh, mỗi “comment” (bình luận) khi đăng lên mạng xã hội, đồng thời có thái độ phê phán với những người sử dụng mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc sự thật, gây hại với người khác.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Tham gia mạng xã hội cần tuân theo quy định của pháp luật

“Những tác động từ thế giới “ảo” sang đời sống thực ngày càng rõ nét. Có mạng xã hội sự liên kết cộng đồng trở nên dễ dàng hơn, nhiều hoạt động tích cực ở khắp mọi nẻo đường, dù là nơi xa xôi nhất cũng nhanh chóng được lan tỏa trong cộng đồng, sự tiện ích trong công tác tuyên truyền chính sách của nhà quản lý hay đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí... của mọi người đều trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái. Và mặt trái của mạng xã hội ngày càng bộc lộ nhiều hơn. Vì thế hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều đã có những thay đổi để việc quản lý hoạt động của “xã hội trên mạng” ngày càng quy củ và hiệu quả hơn. Như vậy, việc “xã hội hóa” thế giới “ảo” đã thành hiện thực, những vi phạm pháp luật trên diễn ra trên mạng xã hội sẽ được xử lý, Luật An ninh mạng cũng đã được ban hành và áp dụng vào cuộc sống. Tham gia mạng xã hội vẫn cần tuân theo quy định của pháp luật, ứng xử đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt từ xưa tới nay và rất cần những ứng xử văn minh - tức là ý thức cá nhân mới là điều quan trọng nhất”.

Nhà văn Hòa Bình: Công chúng nên tránh nạp “rác” vào đầu

“Mạng xã hội là một công cụ tương tác với cộng đồng nhanh và mạnh nhất, chưa từng có. Trước kia, nếu muốn bày tỏ quan điểm thì phải có đầy đủ thủ tục pháp lý, tiếp cận và thông qua cơ quan truyền thông, báo chí. Việc dễ dàng bày tỏ những bức xúc cá nhân bằng mạng xã hội có ưu điểm là vén lên tấm màn che phủ những mặt xấu của sự việc. Nhưng sức mạnh và sự tương tác của số đông công chúng quá lớn sẽ có mặt trái của nó. Khi mạng xã hội trở thành công cụ để truyền bá quan điểm cá nhân tới một đám đông quá lớn, có thể gây bùng nổ tranh cãi hai chiều, hoặc khiến cả một cộng đồng bị lệch lạc về nhận thức. Vì thế, việc lựa chọn theo dõi các “livestream” hay các bài viết trên các diễn đàn giống như việc chúng ta lựa chọn món ăn tinh thần trên không gian mạng. Công chúng nên lựa chọn thông tin, tránh nạp “rác” vào đầu”.

Thiếu tướng Trần Kim Tuyến (nguyên Cục trưởng Cục phòng chống phản động, Bộ Công an): Các thế lực thù địch, phản động sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc bản chất thông tin

“Việc lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một phương thức của các thế lực thù địch, phản động. Bên cạnh những bài viết mang tích công kích trực tiếp, chống phá nhà nước ta, các đối tượng xấu thường lợi dụng những câu chuyện “nóng” trong dự luận để bình luận, châm biếm, so sánh bằng cách cài cắm những thông tin mang màu sắc chính trị để xuyên tạc bản chất câu chuyện, bản chất thông tin hòng hướng lái dư luận hùa theo ý đồ đen tối của chúng. Số đối tượng này lợi dụng vấn đề tự do ngôn luận để rêu rao tư tưởng cực đoan, tiêu cực, chúng lấy danh nghĩa cái gọi là “tiếng nói phản biện” để xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta. Chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội như là một phương thức, con đường để tiến hành âm mưu “diễn biến hòa bình” trên đất nước ta”.

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Livestream, phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội với những nội dung không đúng sự thật là vi phạm pháp luật

“Thời gian qua trên mạng xã hội, một số đối tượng đã “livestream” phát ngôn bừa bãi, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật. Hành vi này gây mất an ninh trật tự không chỉ tác động tiêu cực đến những người khác mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tinh thần của những cá nhân bị vu khống, lăng mạ trên mạng xã hội, gây ra sự xích mích giữa các người dùng mạng xã hội, làm mất đi sự văn minh về mạng xã hội. Thực tế đã có không ít trường hợp nạn nhân phải bỏ học, tự tử, suy sụp tinh thần, không dám bước chân ra khỏi nhà chỉ vì những bức ảnh, những lời quy kết, chửi bới thiếu căn cứ trên mạng xã hội.

Điều 21, Hiến pháp năm 2013 đã quy định, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Hành vi phát ngôn bừa bãi với những nội dung không đúng sự thật trên mạng là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý hàng chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính, theo khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155) hoặc Tội vu khống (Điều 156) theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015”.

Nhà báo Nguyễn Đình Khải: Văng tục, chửi bậy, mạo danh trên mạng xã hội là hành vi không thể chấp nhận

“Facebook là một trang mạng xã hội rất hay bởi vì nó gắn kết bạn bè. Nó là kênh thông tin nhằm kết nối mọi người với nhau, giúp chúng ta có thể biết được nhiều điều, nhiều việc, từ đời sống, xã hội, văn học... Tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội đa chiều, đa dạng. Tuy nhiên, trên mạng xã hội tồn tại một vấn nạn rất tệ, đó là nói tục, chửi bậy. Tôi nói nhiều điều này trên Facebook, khi anh viết cái gì trên đó thì đấy là bản mặt của anh. Anh viết hay, viết tốt thì anh là người rất đẹp. Anh văng tục, chửi bậy thì chứng tỏ anh là người “hàng tôm, hàng cá”. Một điều nữa, tôi đã từng bị mạo danh trên Facebook, điều nay gây cho tôi khá nhiều phiền toái, rất may chưa có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, đó là một hành vi không thể chấp nhận. Bởi, những thông tin của tôi, hình ảnh của tôi bị kẻ xấu lợi dụng sử dụng vào mục đích xấu thì thật tai hại, hết sức nguy hiểm cho tôi và cho xã hội”.

Tiến sĩ Nhạc Phan Linh (Phó Viện trưởng Viện Xã hội học ứng dụng): Tin tức giả trên mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tiêu cực

“Trong thời đại bùng nổ thông tin như ngày nay, như chúng ta đã biết, ngoài thế giới Internet, thế giới mạng hay Facebook là một trong những kênh truyền thông có độ phủ rất lớn. Mặt tích cực trên đó là một biển thông tin. Bên cạnh đó, nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tiêu cực. Hiện nay, đang bùng nổ vấn nạn “fake news” (tức là tin tức giả). Những tin tức giả này dựa trên nền tảng, cơ sở những thông tin có thật, nhân vật thật, con người thật hay những sự việc thật mà nó thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, người ta tìm cách biến tấu, chuyển hướng thông tin đó theo ý đồ của người đăng tin sẽ rất nguy hiểm. Bởi người đăng tin có động cơ xấu sẽ tác động tiêu cực khiến công chúng bị cuốn theo, tin theo, nhất là đó lại là những người nổi tiếng trong xã hội, hoặc nổi tiếng trên mạng xã hội, vô hình chung họ sẽ tạo ra một luồng thông tin nhằm định hướng dư luận theo ý đồ đen tối của họ”.

Chị Phạm Thị Thu Hà (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội): Tăng cường quản lý, xử lý người sử dụng mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân

“Trong một xã hội văn minh cần có những hành xử văn minh, nhất là với người nổi tiếng thì hành vi càng phải đúng mực. Nếu thực sự có phát hiện cái sai, cái xấu thì phải đấu tranh, đưa ra ánh sáng, nhưng việc chửi bới, xúc phạm người khác là không được phép, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vậy mà đáng buồn là những buổi “livestream” như thế thời gian qua lại được rất nhiều người theo dõi, hào hứng tung hô. Thực tế, trên thế giới đã có không ít nghệ sĩ đã phải tự kết liễu đời mình vì không chịu nổi sức ép từ sự chửi bới, miệt thị của đám đông. Nhưng vì đám đông hùa theo chửi bới đó, không ai phải chịu trách nhiệm về hậu quả họ gây ra nên tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra.

Hiện nay, pháp luật hành chính cũng như hình sự đều đã có các quy định về chế tài xử lý các cá nhân thực hiện những hành vi nói trên. Mới nhất, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý người “livestream” xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục. Cơ quan chức năng cũng đã làm việc với một cá nhân về vấn đề này. Tôi nghĩ đây là “hồi chuông” cảnh báo các cá nhân đang lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi nêu trên, đừng nghĩ mình muốn chửi ai thì chửi”.

Chị Bùi Thị Thanh Lâm (Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội): Mạng xã hội: “Không phải ai muốn làm gì thì làm”

“Hàng ngày, tôi đều vào mạng xã hội như Facebook, YouTube… Ở đó có những thông tin nhất định mà cộng đồng chia sẻ, có ích với người dùng. Tuy nhiên, thông tin tiêu cực, xấu độc cũng ngày càng nhiều, gần đây nhất là các buổi “livestream” công kích cá nhân không có giá trị gì với người xem; khi thì lại nội dung mê tín dị đoan, rùng rợn với trẻ em hay tung tin giả về việc ép giá vải thiều Bắc Giang, gây bất bình trong dư luận… Việc sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin hiện tại khá đơn giản, gần như không bị kiểm soát trước khi duyệt đăng. Tuy vậy, theo tôi không phải ai muốn làm gì thì làm trên các mạng xã hội này, đặc biệt là những hành vi vu khống, xúc phạm hay làm nhục người khác vì pháp luật đã quy định cụ thể.

Cụ thể, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của các nhân. Bên cạnh đó, Điều 155, Bộ Luật Hình sự năm 2015 cũng quy định rõ, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu phạm tội 2 lần trở lên hoặc đối với 2 lần trở lên, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Luật An ninh mạng năm 2019 cũng đưa ra quy định tại Điều 16 về việc xử lý các thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống người khác. Mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Thực tế thì nhiều trường hợp vi phạm nặng đã bị xử phạt, tôi nghĩ cần thực hiện nghiêm quy định về đăng tải thông tin trên mạng để làm gương cho người dùng”.

Huệ Anh - Thanh Hoàn - Hà Loan (Ghi)