Ngăn chặn, giải quyết xung đột bằng đối thoại và lòng tin

ANTD.VN - Cảnh báo những mối quan ngại của thế giới về vũ khí hạt nhân đang lên tới mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi có những giải pháp chính trị toàn diện, bao gồm đối thoại và đàm phán, gây dựng lòng tin. 

Trẻ em tham gia hoạt động kỷ niệm Ngày Hòa bình quốc tế do LHQ phát động, tại Ahmedabad (Ấn Độ) ngày 21-9-2017   

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Tổng thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh đối với những vụ việc liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cần phải có những nỗ lực giải pháp và không phổ biến hạt nhân “theo cách có thể thẩm định”. 

Thế giới đang từng ngày từng giờ chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang bằng các loại vũ khí nguy hiểm có tính sát thương cao và khả năng hủy diệt lớn ở một loạt điểm nóng như Syria, Yemen, Iraq hay Sudan, Trung Phi… Về cuộc xung đột Syria, ông Guterres nói rằng nếu như việc sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa lại bị xác định, cộng đồng quốc tế “cần tìm được biện pháp thỏa đáng để nhận diện thủ phạm và bắt chúng phải chịu trách nhiệm”. Ông đồng thời hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ có sự đoàn kết trong vấn đề này khi hai quốc gia Ủy viên Thường trực là Nga và Mỹ vẫn tồn tại quan điểm bất đồng về việc gia hạn điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hồi tháng 4-2017. 

Trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng thư ký cũng đặc biệt cảnh báo lòng tin có thể bị xói mòn “do những phát biểu hăm dọa, cách tiếp cận đối đầu, việc thiếu các kênh liên lạc và quan điểm linh hoạt”. Mỹ, quốc gia thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ, lại là minh chứng rõ nét nhất cho sự đánh mất niềm tin vì chính sách đối ngoại và ngôn từ của Tổng thống Donald Trump. 

Bán đảo Triều Tiên từng trải qua giờ phút “bên miệng hố chiến tranh” vì những phát ngôn đôi co hiếu chiến và hăm dọa giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Những tháng qua, ông chủ Nhà Trắng đã “nhấn chìm” các giải pháp ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên khi cảnh báo về “hỏa lực và cơn thịnh nộ” đối với Bình Nhưỡng.

Ông cho rằng việc đàm phán với Triều Tiên “chỉ làm lãng phí thời gian”. Tuy nhiên, vào đầu năm mới, Tổng thống Trump đột nhiên thay đổi thái độ khi nói rằng “đàm phán là điều tốt” và Mỹ sẽ cân nhắc “thời điểm thích hợp”. Mặc dù đây là sự thay đổi giọng điệu đáng hoan nghênh, song nhiều người vẫn lo ngại rằng sự thay đổi đó không kéo dài. 

Những thông điệp không chuẩn bị trước và khác thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng làm suy yếu nền tảng của liên minh minh Mỹ- Hàn-Nhật. Mặc dù êkíp của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng tái đảm bảo với Hàn Quốc và thế giới rằng mối quan hệ đối tác này là vững chắc, song những phát biểu không nhất quán của Tổng thống Mỹ cho thấy một sự thiếu phối hợp đầy nguy hiểm. Hàn Quốc và Nhật Bản đều cảm thấy đang đứng trước ngã ba của sự lựa chọn: hoặc tận tâm với đồng minh truyền thống Mỹ, hoặc tìm kiếm các đối tác mới nhằm đối phó với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tổng thư ký LHQ cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những cơ chế thẩm định hiệu quả như các nghị định thư của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START), Tổ chức Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) trong việc ngăn chặn nguy cơ phổ biến hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, Mỹ và Nga, hai cường quốc hạt nhân đối đầu đều đang có nguy cơ rơi vào cuộc chạy đua hạt nhân mới trong bối cảnh thế giới xoay trục ảnh hưởng. Cuộc chạy đua vũ khí đang tiếp diễn này ngày càng làm xói mòn “sự ổn định trong cơn khủng hoảng”, không chỉ với hai trục Nga-Mỹ mà đe dọa cả châu Âu.

Trước Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng thư ký bày tỏ niềm tin rằng LHQ có thể đóng vai trò trung tâm trong việc trợ giúp các nước thành viên phát triển, củng cố và hỗ trợ các biện pháp gây dựng lòng tin. Với vị thế là “nhà môi giới trung thực”, LHQ đóng vai trò diễn đàn để qua đó tất cả các bên có thể cùng đối thoại.