Nghệ nhân ưu tú Kim Loan:

Ngăn chặn biến tướng, chấn chỉnh nhận thức về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

ANTD.VN - Hơn 30 năm gắn bó với tín ngưỡng thờ Mẫu và có nhiều đóng góp trong bảo tồn và lưu truyền, nghệ nhân ưu tú Kim Loan luôn trăn trở trước những biến tướng, rối loạn đã ở mức “cực điểm” như hiện nay của di sản này. 

Ngăn chặn biến tướng, chấn chỉnh nhận thức về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 1Nghệ nhân ưu tú Kim Loan luôn mong muốn đưa đạo Mẫu đến với thế hệ trẻ để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Bảo tồn bản sắc dân tộc

Nghệ nhân Kim Loan quan niệm “Đạo Mẫu chính là một “cuốn sách lịch sử” được viết bằng các bài chầu văn, bằng trang phục, các điệu múa và diễn xướng. Bảo tồn và phát triển các giá trị của đạo Mẫu chính là một cách bảo tồn lịch sử, bảo tồn bản sắc dân tộc.

Bén duyên với tín ngưỡng thờ Mẫu khi 30 tuổi, nghệ nhân Kim Loan bị hấp dẫn bởi những giá trị nhân văn đậm đà bản sắc dân tộc nên bà quyết tâm gắn bó với đam mê, dù vấp phải nhiều khó khăn bởi thời điểm những năm 90, việc hát Văn hay hầu đồng vẫn còn chưa được nhìn nhận thật sự công bằng.

Gắn bó với đạo Mẫu hơn 30 năm, nghệ nhân ưu tú Kim Loan vẫn luôn tâm niệm rằng để được thực hành tín ngưỡng, bản thân mỗi người trước hết phải tu tâm dưỡng tính, giữ cho tâm luôn vững và sáng để vượt qua những cám dỗ vật chất cũng như khổ nạn cơ hàn mà bất cứ thanh đồng nào cũng phải trải qua. Với bà, tu dưỡng không có nghĩa chỉ là đặt niềm tin vào Thánh Mẫu và cũng không phải thờ cúng với nhiều lễ vật. Tu có nghĩa là phải học hỏi, học cái nghĩa cái tình, học mọi người, học mọi lúc mọi nơi, tu dưỡng đạo đức.

Không chỉ là người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân Kim Loan còn là một “đại sứ” văn hóa quảng bá những giá trị văn hóa cao đẹp và đậm tính nhân văn của dân tộc Việt Nam. Năm 2009, bà tham gia Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, do GS.TS Ngô Đức Thịnh, làm Viện trưởng. Đặc biệt, năm 2014, khi tham dự Lễ hội Văn hóa thế giới lần thứ 41 tổ chức tại thành phố Gannat (Pháp), bà đã cùng với các thành viên trong đoàn trình diễn lên đồng tại một cuộc hội thảo nói về giá trị văn hóa đạo Mẫu. Buổi biểu diễn thành công, tất cả khán giả và đại biểu tham dự nhiệt liệt tán thưởng và hết sức bất ngờ trước một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc đến như vậy. Buổi trình diễn đó góp phần đưa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà không có thêm bất cứ câu hỏi nào từ Hội đồng đánh giá của UNESCO.

Sau đó, bà tiếp tục tham gia nhiều cuộc trình diễn, giao lưu văn hóa tại các nước khác như Italia, Thụy Sĩ, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc… để giới thiệu những tinh hoa của Tín ngưỡng thờ Mẫu và bản sắc dân tộc Việt Nam tới bạn bè năm châu. 

Nở rộ hiện tượng “đồng đua”, “đồng đú”

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian của Việt Nam có lịch sử lâu đời, phát triển mạnh từ sau thế kỷ XVI với sự xuất hiện của Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đáng chú ý, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 1-12-2016. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, tín ngưỡng này đã bị khoác chiếc áo “mê tín dị đoan”, một phần xuất phát từ những định kiến có sẵn trong lịch sử, mặt khác do những biến tướng, lệch lạc xuất hiện tràn lan trong nghi thức hầu đồng hiện nay.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan là 1 trong 37 nghệ nhân vừa được vinh danh trong Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức vào ngày 7-6-2019 để ghi nhận những đóng góp của bà trong việc lưu giữ và bảo tồn tín ngưỡng văn hóa dân gian của dân tộc.

GS. TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu và phục hồi tín ngưỡng thờ Mẫu nhận định: “Hiện nay có 3 kiểu ông/bà đồng là: những người có căn đồng số lính (do nghiệp gia truyền, nối dõi dòng tộc), những người có căn số không phải do nối dõi nhưng do căn quả, bị cơ đầy phải ra trình đồng mở Phủ và những “đồng đua, đồng đú” là người không có căn số, coi lên đồng là một nhu cầu giải trí, giải tỏa... “Đồng đua, đồng đú” là hiện tượng công nghiệp xã hội hiện đại, do những dồn nén tâm lý nên xem lên đồng như một kiểu mua vui, giải trí”.

Còn theo nghệ nhân Kim Loan, nhiều người chỉ mới ra hầu được vài ba tháng đã cho mình thành đồng, thậm chí không hiểu gì về lịch sử và nguyên tắc của tín ngưỡng này cũng tự xưng là đồng. Thậm chí, có tình trạng người mang danh thanh đồng đi thực hành nghi lễ với ý nghĩ bỗng dưng có tiền bách gia trăm họ chảy vào túi dễ dàng, còn người dân bị cuồng tín, bỏ tiền ra như một sự mặc cả với thánh thần để “mua” mong muốn của mình thành hiện thực. 

Bên cạnh đó, do chưa bao giờ có tiêu chí cụ thể quy định thế nào là thực hành tín ngưỡng đúng và toàn bộ tri thức về tín ngưỡng thờ Mẫu đều truyền miệng nên xảy ra hiện tượng chê bai, chỉ trích nhau trong giới thanh đồng, tạo ra dư luận xấu trong xã hội.

Một hiện tượng nữa cũng được nghệ nhân Kim Loan chỉ ra là xu hướng “sân khấu hóa” tín ngưỡng thờ Mẫu, như việc đưa các bài văn chầu cô Bé, cô Đôi Thượng ngàn trong tín ngưỡng thờ Mẫu vào biểu diễn nghệ thuật, đặt lời mới... Theo nghệ nhân Kim Loan, chính những hiện tượng này gây ra những lệch lạc trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Để tín ngưỡng thờ Mẫu thực sự phát huy chân giá trị

Theo nghệ nhân Kim Loan, bất cứ tín ngưỡng nào, tôn giáo nào cũng đều khuyên con người ta hướng thiện. Với tín ngưỡng thờ Mẫu, đây không chỉ là một tín ngưỡng dân gian đề cao truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của người Việt, mà còn thể hiện được những nhu cầu tinh thần phong phú của nhân dân qua việc bày tỏ những mong ước về sức khỏe, tài lộc…

Khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi thức hầu đồng là một di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân Kim Loan cho rằng chấn chỉnh nghi lễ, đạo pháp, phát huy những giá trị nhiều mặt của đạo Mẫu đang là yêu cầu, nguyện vọng của xã hội và tín đồ đạo Mẫu hiện nay nhằm hạn chế sự tản mạn, tùy tiện, và lợi dụng buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan trong thực hành nghi lễ. 

 “Đã đến lúc chúng ta phải đưa các thanh đồng vào tổ chức như các câu lạc bộ, gắn với sự quản lý của cơ sở địa phương, gắn với pháp luật, quy định của Nhà nước”, nghệ nhân Kim Loan bày tỏ. Đối với cơ quan quản lý như các Sở Văn hóa, cần được trang bị đủ kiến thức về loại hình văn hóa tâm linh này để phân biệt được thế nào là hầu đồng đúng, từ đó đưa ra những quy định, quy chuẩn quản lý để định hướng cho những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. 

Ngoài ra, cũng cần những hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của công chúng về tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có giá trị đã được thế giới công nhận. “Người Việt chúng ta rất thông minh, đặc biệt là các bạn trẻ tiếp thu rất nhanh. Thế nhưng tiếp thu nhanh phải đi với “cái mầm” đúng thì mới lâu bền và lành mạnh", nghệ nhân Kim Loan nói.