Ngấm đòn trừng phạt

ANTĐ - Cuộc chiến “trừng phạt kinh tế” giữa Nga và phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine đang gây thiệt hại nặng cho cả kinh tế Nga và các nước Đông Âu vốn có mối quan hệ nhiều mặt với nhau.
Ngấm đòn trừng phạt ảnh 1
Trừng phạt kinh tế của phương Tây đã khiến người dân Nga
gặp nhiều khó khăn hơn trong đời sống hàng ngày


Trong dự báo mới nhất đưa ra ngày 18-9, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đều đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga, Ukraine và các nước Đông Âu do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đã ảnh hưởng lớn tới cả kinh tế Nga và các nước Đông Âu vốn từng có mối hợp tác mật thiết.

Theo dự báo của EBRD, kinh tế khu vực Đông Âu năm 2014 có thể chỉ tăng khoảng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức 2,3% mà ngân hàng này đưa ra cuối năm 2103 cũng như thấp hơn mức dự báo đưa ra hồi tháng 5 vừa qua. Sang năm 2015, tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Âu có thể sẽ nhích lên mức 1,7%, nhưng vẫn thấp hơn các dự báo trước đó. 

Từng là bạn hàng truyền thống và láng giềng của nhau trong nhiều thập kỷ trước đây, các nước Đông Âu có hợp tác kinh tế gần gũi với Nga nên lệnh trừng phạt của phương Tây và đòn trả đũa của Nga đã ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế khu vực Đông Âu. Trong khi Thủ tướng Estonia Taavi Roivas cho rằng khó có thể đánh giá hết tác động của các biện pháp trừng phạt từ phía Nga tới ngành công nghiệp thực phẩm của nước này thì Thủ tướng  Slovakia Robert Fico cũng lo ngại tuyên bố các biện pháp trừng phạt Nga là vô nghĩa và sẽ gây ra tác dụng ngược. 

Là tâm điểm của cuộc khủng hoảng, kinh tế Ukraine được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Pablo Sheremeta, GDP nước này năm 2014 sẽ tăng trưởng âm 6%-7% (so với mức 0% năm 2013); lạm phát tăng vọt từ 0,5% năm 2013 lên 12% trong 7 tháng đầu năm và dự kiến tới 19%-20% cả năm 2014; giá khí đốt, điện, nước… và các nông sản cũng tăng gấp nhiều lần. 

Trong khi đó, các đòn trừng phạt liên tiếp của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giáng vào kinh tế Nga, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu khí và ngân hàng - “xương sống” của nền kinh tế, đã tác động tiêu cực tới cả nền kinh tế lẫn cuộc sống người dân. Sau khi Cơ quan Thống kê nhà nước Nga (Rosstat) công bố GDP chỉ tăng trưởng 0,8% trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev cảnh báo rằng Nga có thể rơi vào suy thoái dưới tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU. 

EBRD dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2014 sẽ ở mức 0% và lên mức 0,2% trong năm 2015, thấp hơn mức dự báo 0,6% đưa ra trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng của Nga mức từ 1,1% trước đây xuống mức 0,2% trong năm 2014.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine chưa biết bao giờ chấm dứt, Nga đã mở lối, đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nhóm BRICS (gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và cả Iran. Lên tiếng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới mùa hè ở Thiên Tân (Trung Quốc) ngày 11-9 vừa qua, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich cho biết, các biện pháp trừng phạt sẽ kéo theo những thách thức mới, vì vậy Nga cần những đối tác đáng tin cậy mới để có thể tiếp tục giữ mức độ tăng trưởng kinh tế bền vững.