Ngẫm chuyện học xưa và nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Hôm nay trời nắng chang chang/ Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/ Chỉ mang một chiếc bút chì/ Và mang một mẩu bánh mì con con” - đó là những câu thơ ngộ nghĩnh được nhà văn Phan Thị Vàng Anh viết từ năm 1975. Tôi muốn trích lại nó để mở đầu bài viết về thời chúng tôi đi học. Mà ai ở vào cái thời “chân đất mũ rơm tới trường” thì nay cũng đã ngoài 60 tuổi cả rồi.
Học sinh đan mũ rơm chống mảnh bom thời chiến

Học sinh đan mũ rơm chống mảnh bom thời chiến

Ngày xưa thân ái

Thời ấy việc đi học khá vất vả bởi nhiều sáng tới trường chúng tôi phải nhịn đói, bạn nào gia đình kha khá thì còn có chút cơm nguội vào bụng. Rồi đi bộ tới lớp, rồi phải đi sơ tán, mấy anh chị em tự đùm bọc lẫn nhau, tự lo cho nhau vì bố mẹ còn bận công tác (có bạn bố còn đang ở chiến trường). Thời đó tuy có gọi là khổ, nhưng vui. Chúng tôi cứ chân sáo tung tăng tới trường, vừa chạy vừa gọi nhau í ới. Ấy thế mà nghỉ hè 3 tháng hoặc được nghỉ học để tránh bom của Mỹ thì nhớ lớp, nhớ thầy cô, nhớ bạn tới quay quắt. Được tới lớp là vui như Tết, chuyện trò cứ “nổ như ngô rang”, tíu tít khoe với nhau những điều đã làm được trong những ngày nằm nhà chờ đợi tiếng trống trường để ríu ran rủ nhau đi học.

Thời đó đi học tuy “áp lực” vì đói, vì xa bố mẹ, vì phải đi sơ tán, nhưng bạn bè quý nhau như ruột thịt. Có cái kẹo cũng chia nhau. Bạn nào có bố mẹ về nơi sơ tán thăm, cho chút quà là kiểu gì cũng giấu trong cặp sách để mang tới lớp cùng ăn, cùng chuyện trò sôi nổi. Chuyện sôi nổi nhất là chuyện ta đã bắn rơi bao nhiêu máy bay Mỹ. Thời đó đi học thật nhàn vì chẳng có áp lực học thêm. Chỉ có những buổi phụ đạo cho những bạn học lực yếu, những buổi học bồi dưỡng cho các bạn được xếp vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi. Vậy mà có nhiều bạn đạt được thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Có bạn còn được đi thi học sinh giỏi Văn, giỏi Toán toàn miền Bắc nữa. Cánh học sinh Hà Nội sơ tán thường học khá hơn các bạn ở làng quê vì dù sao các bạn đó đã có “gạo sổ”, lại không phải chăn trâu cắt cỏ.

Một lớp học thời kháng chiến chống Mỹ

Một lớp học thời kháng chiến chống Mỹ

Tôi có anh bạn là nhà văn giờ đã vào tuổi 70, cứ hở ra là nói chuyện “ngày xưa” cho con cháu nghe. Chúng nó có đứa lắng nghe, có đứa lắc đầu vì “cứ phải nghe chuyện cổ tích mãi”. Lũ trẻ bảo: “Bây giờ khác xa rồi bố ạ (ông ạ). Thời bây giờ học sinh nói tiếng Anh như gió để còn đi thi “ai-eo” (IELTS), điểm cao sẽ được ưu tiên vào đại học, chứ cứ ngồi viết văn hay làm toán thì không đỗ đại học được”. Anh bạn nhà văn của tôi đã trừng mắt: “Thời tao đi học chỉ cần mỗi quyển “O A” với cái bút chì cùn, thế mà tao trở thành nhà văn. Còn chúng mày nào là máy tính, nào là điện thoại thông minh, rồi tiếng Anh như gió cũng còn lâu mới có được “thành tích” như tao”.

Một góc nhìn riêng

Anh bạn tôi có vẻ hơi “cực đoan”, nhưng suy cho cùng cũng có lý. Cái lý thứ nhất là không bị áp lực học hành trên lớp, áp lực học thêm, đặc biệt là áp lực phải đạt thành tích thật cao cho gia đình đi khoe khắp bạn bè, cơ quan, xóm phố. Đi học ai mà chẳng muốn học cho tốt, nhưng học tốt đâu phải cứ học thêm nhiều mà đạt. Cái gì cũng có “biện chứng” của nó, nghĩa là muốn học tốt ngoài chăm chỉ thì cần phải thực sự yêu việc học. Chuyện gì cũng vậy, không yêu thì làm sao miệt mài được, làm sao say mê được. Thời nay có nhiều bậc cha mẹ cứ ép con học nhiều, nghĩ thế là quan tâm tới con, hết lòng hết sức (cả hết tiền) với con. Thành thử, học sinh bây giờ cứ như một cái máy được “lập trình” vậy. Sáng ra có ông, hoặc bố, hoặc mẹ chở bằng xe máy tới lớp. Có đứa ngồi sau xe cao hơn ông, hơn mẹ cả cái đầu, nặng hơn cả chục cân. Chiều thì đã có bố, có ông đón luôn đến lớp học thêm. Rồi ông, bố, mẹ lại chầu chực ngoài phố để chờ tới giờ tan lớp sẽ đón (hoặc chở tiếp tới một lớp học thêm khác). Khi tối muộn về đến nhà, nó ăn vội bát cơm rồi lại làm bài tập. Chúng cứ quay cuồng trong cái vòng sáng học, chiều học, tối học. Chúng chỉ có duy nhất hai việc, đó là ăn cho lắm và học cho nhiều.

Tuổi thơ hồn nhiên biến mất, học sinh bây giờ cao, béo và đẹp hơn học sinh thời chân đất mũ rơm chúng tôi. Học sinh bây giờ có khi bạn cùng lớp cũng ít chơi với nhau, chưa nói đến sinh viên đại học thì lại càng ít bè bạn. Có lần tôi hỏi một cháu gần nhà: “Chủ nhiệm lớp cháu là cô hay là thầy?”. Con bé lắc đầu. Tôi hỏi thêm: “Tên của thầy chủ nhiệm lớp cháu là gì?”. Con bé lại lắc đầu. Thì ra cách học tín chỉ đã “không cho” các cháu được tiếp xúc với thầy cô, được giao lưu với bạn bè. Các cháu cứ đăng ký môn học rồi “chạy sô” từ lớp học môn này tới lớp học môn kia. Học hành bù đầu đến ngày tốt nghiệp cầm tấm bằng xong chẳng biết sẽ làm nghề gì? Bởi vì có cháu đi học là “đi học cho bố mẹ” nên quá trình học chẳng mảy may “yêu” ngành mình theo học. Học để lấy tấm bằng cho “bằng chị bằng em” chứ không hẳn là học để sau này được làm những nghề mà mình ưa thích, mà mình theo đuổi. Nói như thế cũng “cực đoan” vì vẫn còn nhiều cháu đi học thực sự. Những cháu học sinh ấy dĩ nhiên là học tốt và ra trường có được một công việc đam mê. Có chuyện những cháu mang tấm bằng về cho bố mẹ xong thì lại đi làm công việc “ngoài ý muốn” của bố mẹ, nhưng dù sao công việc ấy cháu lại thích, lại đam mê.

Phụ huynh chờ đón con học thêm

Phụ huynh chờ đón con học thêm

Trở lại chuyện học phổ thông, thời chúng tôi đi học là tất cả mọi học sinh đều học như nhau, đều chung sách giáo khoa. Đâu như hiện nay các cháu học sinh đi học phổ thông tới trung học thì học theo phân ban, môn nào thích thì đăng ký học, môn nào không thích hoặc thấy không “thiết thực” thì không học. Thành thử, có cháu có môn học “giỏi cực kỳ” nhưng lại “chẳng biết gì” về những môn học khác. Học phổ thông là học để sao cho tất cả học sinh đều được học “bình đẳng’, nghĩa là môn học nào cũng quan trọng chứ chẳng có chuyện môn học “thích hay không thích”. Giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện kiến thức phổ thông nền tảng cho tất cả học sinh. Thế mới gọi là “phổ thông”. Còn khi học lên đại học thì mới học theo ngành nghề phù hợp và đúng năng lực.

Chuyện học hành xem ra cứ loanh quanh mãi mà hình như các nhà giáo dục thì cứ nghĩ và bắt học sinh học theo cách nghĩ của mình.