Ngại thu phí không dừng vì... quá minh bạch?

ANTD.VN - Tình trạng nghi ngờ, thiếu minh bạch trong việc thu phí tại các trạm BOT đường bộ đã được đề cập từ lâu. Thời gian qua, việc lùm xùm xung quanh nghi vấn thất thoát phí tại một số trạm nổi lên càng khiến người dân bức xúc. Trong khi đó, đến nay Bộ GTVT vẫn chưa thể minh bạch quá trình thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn tại các trạm này.

Làm rõ nội dung báo chí phản ánh 

Theo một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, tại trạm BOT QL5 và trạm BOT Đại Yên - QL18, TP Hạ Long, Quảng Ninh xảy ra tình trạng gian lận, thất thoát phí. Theo đó, nhân viên tại các trạm này không giao cuống vé cho lái xe, thu tiền thấp hơn chuẩn phí Nhà nước quy định, khiến hàng chục tỷ đồng của Nhà nước thất thoát...

Tại trạm thu phí QL5, các lái xe được nhân viên bán vé “tư vấn” chỉ cần phải trả một số tiền ít hơn giá chuẩn 180.000 đồng cộng cuống vé là có thể đường hoàng qua trạm, trong khi vé chuẩn là 200.000 đồng/lượt. Còn tại trạm thu phí Đại Yên (Quảng Ninh), lái xe cũng chỉ phải trả 150.000 đồng để qua trạm (trong khi vé chuẩn là 160.000 đồng/lượt).

Về việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-9-2016.

Ngay sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác thu phí trạm thu phí đường bộ trên QL5 tại Km 82+300 (An Dương, Hải Phòng).

Đoàn kiểm tra gồm 16 thành viên thuộc Tổng cục Đường bộ và 19 công chức, viên chức của Cục Quản lý đường bộ I do ông Trịnh Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ) làm trưởng đoàn sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát công tác thu phí tại trạm thu phí trong thời gian 10 ngày.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thu phí và doanh thu thu phí tại trạm thu phí ở Km 82+300 QL5 theo đề cương được phê duyệt; lập biên bản, kiến nghị xử lý theo quy định. Mặc dù kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát của Tổng cục Đường bộ chưa có, nhưng tình trạng này một lần nữa khiến dư luận hoài nghi về việc thất thoát phí, không minh bạch quá trình thu phí hoàn vốn tại các trạm BOT nói chung.

Lùm xùm thu phí tại Pháp Vân - Cầu Giẽ

Trước đó, “nghi án” thất thoát phí tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng đã rầm rộ. Đáng nói, việc này xuất phát từ chính cổ đông tham gia góp vốn xây dựng tuyến đường càng khiến dư luận củng cố thêm sự nghi ngờ bấy lâu.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn I được cải tạo, nâng cấp trên nền đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vốn đã được đầu tư gần đạt tiêu chuẩn cao tốc.  Ở giai đoạn này, các nhà đầu tư chỉ thực hiện thảm lại nhựa, tạo nhám và chỉnh trang lại một số hạng mục phụ, xây dựng trạm thu phí và thu phí từ đó đến nay. Đáng nói, cước phí trên tuyến này cũng thu là 1.500 đồng/km.

Tháng 4-2016, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông I - Cienco I liên tục có văn bản đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Cienco I là 1 trong 3 cổ đông góp 18% vốn điều lệ của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC), cổ đông lớn nhất là Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (nắm 65% vốn điều lệ, giữ vị trí Tổng giám đốc).

Tại văn bản gửi tới Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cienco I đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp, đứng về phía cổ đông nhỏ, người tham gia giao thông để cùng làm rõ nghi vấn thất thoát phí tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đại diện Cienco I cho biết, với hình thức thu phí khá thủ công (phát vé giấy) tại các trạm thu phí hoàn vốn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ như hiện nay, nguy cơ thất thoát phí là không thể loại trừ nên rất cần sự giám sát độc lập của nhiều bên.

Bên cạnh đó, Cienco I cho rằng, doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc mà MPC báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như thông báo cho các cổ đông là chưa sát với thực tế. Cụ thể, sau khi đạt 41 tỷ đồng vào tháng 1-2016, doanh thu thu phí tháng 2-2016 chỉ còn 35,9 tỷ đồng, trong khi đây lại là đợt cao điểm vận tải Tết Bính Thân 2016.

Với mức thu 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, doanh số bình quân 1 ngày cho tuyến cao tốc có mật độ phương tiện lớn nhất phía Bắc chỉ vào khoảng 1 tỷ đồng - theo Cienco I là khá bất thường.

“Ngoài việc làm rõ các nghi vấn thất thoát, nếu lưu lượng phương tiện được phản ánh chính xác qua doanh thu thu phí thì thời gian hoàn vốn của dự án sẽ ngắn lại nên đối tượng hưởng lợi cao nhất từ đề xuất của chúng tôi chính là Nhà nước và người tham gia giao thông”, đại diện Cienco I cho hay.

Cuối tháng 6-2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã  kiểm tra trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Kết quả kiểm tra cho thấy, trạm thu phí đã được kết nối về trung tâm điều hành, tuy nhiên đơn vị vẫn chưa áp dụng thẻ từ. Bởi theo báo cáo của đơn vị thu phí thì mới in được 32.000/40.000 thẻ, do vậy vẫn dùng vé thường kết hợp thẻ mở barie cưỡng bức theo từng chủng loại xe.

Vì vậy, phần mềm quản lý thu phí chưa hỗ trợ được việc trích xuất báo cáo số thu phí của từng loại vé, từng ca, từng ngày, từng tháng. Hệ thống phần mềm thu phí lưu giữ được hình ảnh chụp phương tiện từ 26-4-2016 đến thời điểm kiểm tra, hình ảnh video chỉ lưu giữ được 4-5 ngày.

Hệ thống hoạt động chậm, thường bị treo máy khi muốn xem lại dữ liệu video. “Với hiện trạng hệ thống thiết bị, phần mềm quản lý thu phí như trên, việc kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ gặp nhiều khó khăn”, đại diện Tổng cục Đường bộ cho hay.

Minh bạch thu phí BOT: Bao giờ?

Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ đã kiểm tra, giám sát thu phí tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong 10 ngày đầu tháng 7. Kết quả cho thấy, về doanh thu, theo báo cáo của đơn vị cho thấy, tháng 1-2016 thu hơn 41 tỷ đồng, tháng 2 thu gần 36 tỷ đồng, tháng 3 thu hơn 36 tỷ đồng, nhưng tháng 4 thu được hơn 54 tỷ đồng và tháng 5 thu hơn 50 tỷ đồng.

“Thiết bị hậu kiểm giám sát thu phí hoạt động bình thường, không có sự cố. Hình ảnh và video xe qua trạm liên tục không ngắt quãng; kiểm tra xác suất các xe vé tháng, quý trên một làn bất kỳ đều đúng theo danh sách xe mua vé tháng, quý đơn vị cung cấp...”, kết quả đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ cho thấy.

Liên quan đến việc giám sát công tác quản lý vé, doanh thu thực tế, theo kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ, số thu của một làn có một số trường hợp nhiều hơn và được xé vé bổ sung (cao nhất là 150.000 đồng/làn, số thấp nhất là 5.000đồng/làn). Nguyên nhân do lái xe không nhận lại tiền thừa khi nhân viên trả lại.

“Có trường hợp số thu ngân thấp hơn doanh thu qua thiết bị hậu kiểm nhiều nhất là 50.000 đồng/làn. Cả trạm một ca chênh lệch nhiều nhất là 500.000 đồng/ca/32 làn và đều được lập biên bản xác định nguyên nhân, chủ yếu do thiết bị đọc 2 lần một biển số xe hoặc không xác định được biển số xe”, kết quả kiểm tra nêu rõ.

Ngoài ra, qua kiểm tra xác xuất một vài cabin, thu phí viên đều xé vé và thu tiền đúng mệnh giá, chủng loại phương tiện. Về doanh thu thu phí, theo báo cáo của đoàn kiểm tra, tổng doanh thu thu phí 10 ngày (lượt+tháng+quý) là 19,8 tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân 1 ngày thu phí được 1,98 tỷ đồng là cao hơn so với tất cả các tháng trước đó (bình quân khoảng 1-1,6 tỷ đồng/ngày).

Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ kết luận: “Kết quả kiểm tra, giám sát không có chênh lệch, khác biệt lớn giữa số liệu kiểm tra giám sát và số liệu của đơn vị. Việc đối chiếu số thu từng ca, từng làn với số thu thiết bị hậu kiểm chênh lệch nhỏ chủ yếu do thiết bị đọc một xe hai lần liên tục hoặc không rõ biển số xe. Như vậy, phương án kiểm tra, giám sát của Đoàn tại trạm thu phí trong 10 ngày đã đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác thu phí, số thu đúng thực tế”, báo cáo của Đoàn kiểm tra khẳng định.

Minh bạch trong quá trình thu phí hoàn vốn tại các trạm BOT bấy lâu vẫn khiến người dân hoài nghi. Bộ GTVT đã và đang yêu cầu các nhà đầu tư BOT đẩy nhanh việc ứng dụng thu phí tự động không dừng, góp phần minh bạch thu phí. Tuy vậy, mặc dù Bộ GTVT đã nhiều lần ra “tối hậu thư” chốt tiến độ nhưng thu phí tự động không dừng vẫn chưa thể triển khai. Không ít nghi hoặc về việc, có phải nhà đầu tư BOT ngại thu phí không dừng vì quá minh bạch?