Ngà voi châu Phi "qua mặt" hải quan Kenya như thế nào?

ANTĐ - Khi nhà chức trách Singapore thu giữ số lượng kỷ lục gần 4 tấn ngà voi giấu trong container trà nhập khẩu hồi tháng 5-2015, nguồn gốc xuất xứ của lô hàng khá quen thuộc: cảng Mombasa của Kenya. Trải dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương, cảng biển lớn nhất Đông Phi này đã âm thầm nổi lên như điểm trung chuyển buôn lậu lớn về ngà voi.

Ngà voi châu Phi "qua mặt" hải quan Kenya như thế nào? ảnh 1Dù kiểm tra bằng máy hay thủ công, lực lượng hải quan ở cảng Mombasa, Kenya không phát hiện được ngà voi lậu suốt 18 tháng qua

Mombasa - cảng khét tiếng về ngà voi lậu

Hồi tháng 4-2015, nhà chức trách Thái Lan phát hiện 3,6 tấn ngà voi trong container dán nhãn chè Kenya. Sau đó 1 tháng, kiểm tra mặt hàng chè nhập khẩu từ Kenya, Singapore lại thu giữ được 4 tấn ngà voi trị giá khoảng 8 triệu USD, đây là lô hàng buôn lậu ngà voi lớn thứ hai trong lịch sử nước này. Hai vụ thu giữ ngà voi lớn nhất tại châu Á trong năm nay có nguồn gốc ở Mombasa, nhưng nhà chức trách Kenya đã không thu giữ được bất cứ lô hàng ngà voi nào tại đây trong gần 18 tháng. 

Các cơ quan an ninh và bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm cho rằng Mombasa là mặt trận chính nếu muốn bảo tồn voi châu Phi. Lượng ngà voi được xuất từ Kenya lớn hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực kể từ năm 2009. Đến năm 2012, Trung Phi đã giảm 64% số voi hoang dã trong vòng 10 năm, trong khi Tanzania đã mất 60% số voi trong 5 năm qua. Trong vòng 5 năm tính đến tháng 6-2014, cả thế giới đã thu giữ khoảng 170 tấn ngà voi, tương đương với 230.000 con voi, chiếm hơn một nửa số voi hiện tại của châu Phi, thống kê của nhóm nghiên cứu Born Free và C4ADS của Mỹ cho biết. 

Nhức nhối nạn hối lộ - "lót tay"

Tình trạng hối lộ tại cảng Mombasa từ lâu đã thành một vấn đề nhức nhối tại đây. Một nhân viên hải quan cho biết tên là Khalfan nói, anh ta thường xuyên nhận 500.000 shilling Kenya (khoảng 4.900 USD) để đảm bảo cho container hàng qua cảng mà không cần kiểm tra. Mức phí này chỉ là một cửa trong hàng chục cửa khác với tổng chi phí lên tới con số 5 triệu shilling để lo lót cho việc xuất một lô hàng. Thế nên dễ hiểu khi một nhân viên hải quan như Khalfan, với mức lương 400 USD/tháng lại có đủ tiền mua chiếc BMW cùng khối bất động sản ở một thị trấn bãi biển gần đó. “Một chiếc container nào đó bị đình lại kiểm tra, chỉ có thể là do tiền đặt không đúng cửa”, nhân viên hải quan Khalfan khẳng định. Tiền “lót tay” này không thể quan sát bằng hệ thống camera vì người ta có thể kẹp trong giấy tờ kiểm tra tại trạm hay trao tay ở địa điểm bí mật nào đó.

Daniel Nzeki, chủ một doanh nghiệp kinh doanh container cho hay, thực trạng này bắt nguồn từ lực lượng hải quan. Theo người này, nhiều công ty có nhân viên hải quan làm “tay trong”, nghĩa là mỗi khi hàng qua chốt đều không cần phải qua máy quét.

Ngà voi châu Phi "qua mặt" hải quan Kenya như thế nào? ảnh 2Mặt hàng ngà voi qua mặt hải quan cảng Mombasa khi được giấu trong các bao hàng cá khô, ớt bột hay trà

Khó khăn trong truy tố 

Ông Bernard Osero, phát ngôn viên của cơ quan quản lý cảng biển Kenya cho hay, Mombasa đã được “điện tử hóa” bằng việc lắp đặt 600 camera giám sát, báo động khi phát hiện nghi vấn, có máy quét vân tay và chó để phát hiện ma túy và ngà voi. Nhưng thực tế, cảng Mombasa chỉ có một máy quét cố định và 2 máy di động trong khi có ngày, dòng xe tải chở container chờ thông quan xếp hàng tới gần 20km. Bên cạnh đó, như lời ông Ozero khẳng định, hai vụ bắt giữ ngà voi lớn ở châu Á là do lỗ hổng, khi mà mặt hàng chè xuất khẩu gần như được miễn kiểm tra bởi nếu thời gian làm thủ tục lâu, lá chè - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Kenya sẽ dễ bị hỏng.

Trong những tháng gần đây, nhà chức trách ở Kenya và Tanzania đã công bố một loạt các vụ bắt giữ trùm sò buôn lậu ngà voi, cụ thể đầu tháng 10, quan chức Tanzania bắt giữ “Nữ hoàng ngà voi”, một dân buôn Trung Quốc khét tiếng trong khu vực. Tuy nhiên, ngay cả khi đã bắt được nghi phạm, việc xử lý sự việc gặp nhiều khó khăn. Ở Kenya, chỉ khoảng 11%  số đối tượng bị bắt giữ vì tội săn trộm và buôn lậu ngà voi phải chấp hành án phạt tù. Thủ tục truy tố phức tạp, đòi hỏi thu thập chứng cứ xuyên quốc gia.

Ông Odhiambo Kamlus, cảnh sát điều tra của Kenya cho biết, 9 người Kenya đã bị khởi tố trong vụ buôn lậu ngà voi tới Thái Lan, nhưng còn vụ việc ở Singapore đang bế tắc. “Những kẻ buôn lậu đều có tiền, họ có thể thuê những luật sư giỏi nhất để có thể khiến cho quá trình giải quyết sự việc kéo dài rất lâu”, cảnh sát Kamlus nói.