Nga và Ukraine "đụng độ" tại Tòa án Nhân quyền về vấn đề Crimea

ANTD.VN - Ngày 11-9 tại tòa án Nhân quyền Châu Âu đã diễn ra phiên điều trần công khai vụ viêc Ukraine khởi kiện Nga vi phạm nhân quyền ở bán đảo Crimea. Vụ việc một lần nữa lại khiến mối quan hệ Nga-Ukraine trở nên căng thẳng bất chấp những tín hiệu tốt trong quan hệ hai nước sau vụ trao trả tù binh những ngày gần đây.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) tại Strasbourg đang được đề nghị ra phán quyết vụ việc Ukraine cáo buộc Nga vi phạm nhân quyền ở bán đảo Crimea, và cả các vấn đề khác liên quan đến việc liệu Nga kiểm soát vùng phần lãnh thổ này của Ukraine trước thời điểm ngày 20-3-2014 khi Duma Quốc gia phê chuẩn việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của Nga.

Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg

Kiev khẳng định Matxcơva đã kiểm soát bán đảo kể từ ngày 27-2-2014 và các lực lượng Nga đã tra tấn và giết hại cảnh sát cũng như thường dân. Những cáo buộc trên đã bị Matxcơva phủ nhận.

Những hành động khác mà Kiev cáo buộc Matxcơva bao gồm quấy rối và đe dọa các linh mục và nhà báo, cũng bị Kremlin kịch liệt phủ nhận.

Phát biểu đầu tiên tại phiên điều trần, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nga Mikhail Galperin cho biết tại thời điểm tiếp quản Crimea, Ukraine thiếu một chính phủ hợp pháp theo Hiến pháp và đất nước này được điều hành bởi những kẻ phát xít, những người không khoan dung với ngôn ngữ thiểu số.

Tuy nhiên, ông Galperin thừa nhận lính Nga đã có mặt ở bán đảo Crimea trước thời điểm Matxcơva tiếp quản bán đảo này, nhưng với số lượng đúng theo những quy định trong thỏa thuận Hạm đội Biển Đen ký năm 1997.

Quân nhân Nga bên ngoài 1 đồn biên phòng Ukraine ở thị trấn Balaclava của Crimea vào tháng 3-2014 (Ảnh Reuters)

“Bất kỳ bằng chứng nào mà Kiev đưa ra về các vi phạm nhân quyền đều không đáng tin cậy và được lấy từ các nguồn của bên thứ ba”,  ông Galperin nói.

Ông Galperin lên tiếng cảnh báo ECHR đang chơi một trò chơi mạo hiểm với các vụ án có động cơ chính trị, và điều này có thể khiến ECHR đối mặt với nhiều rắc rối trong tương lai.

Phía Ukraine đã bác bỏ các lập luận của Thứ trưởng Galperin rằng phía Nga đã không phạm phải tội ác tàn bạo ở Crimea. bằng chứng Kiev đưa ra là những phát hiện độc lập có được từ Liên hợp quốc.

Ông Ben Emmerson, một luật sư người Anh trong nhóm pháp lý của Ukraine, cho biết Nga đã không cho phép các nhà điều tra vào Crimea, đó là lý do tại sao nhiều lời khai của nhân chứng không có giá trị. Ông Emmerson cũng trích dẫn một báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc tra tấn các sĩ quan Ukraine bằng sử dụng sốc điện và dao.

Ukraine đã đệ trình thêm 4 trường hợp khiếu kiện Nga lên ECHR. Để đơn giản hóa, tòa án đã tách riêng các vụ kiện liên quan đến Crimea và Donbas ở miền Đông Ukraine, nơi cuộc xung đột ly khai do Nga hậu thuẫn vẫn đang diễn ra.

Phán quyết của ECHR nhiều khả năng sẽ không thể đưa ra, ngay cả khi phiên tòa án kết thúc.