Nga và Mỹ cạnh tranh gấp rút đưa vaccine Covid-19 “về đích”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học uy tín quốc tế The Lancet cho thấy, vaccine Covid-19 mang tên Sputnik V của Nga mà ban đầu khá nhiều người còn hoài nghi đã tạo ra phản ứng miễn dịch và an toàn. Trong khi đó, người Mỹ cũng không muốn chậm chân hơn Nga, họ đang gấp rút chuẩn bị để sẵn sàng phân phối vaccine trước ngày bầu cử 3-11-2020.
Tính hiệu quả và an toàn của vaccine Covid-19 sẽ được chứng thực sau khi thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn

Tính hiệu quả và an toàn của vaccine Covid-19 sẽ được chứng thực sau khi thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn

Sputnik V của Nga thực sự có hiệu quả

Bài viết trên tạp chí The Lancet ngày 4-9 cho thấy, quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của vaccine Sputnik V từ ngày 18-6 đến 3-8, các nhà nghiên cứu đã tuyển 76 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 đến 60 tuổi để tiêm vaccine do Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Gamaleya phát triển tại một trong 2 bệnh viện của Nga.

Trong nghiên cứu này, những người tham gia được theo dõi trong 28 ngày (sau 42 ngày đối với những người tham gia giai đoạn 2) và sẽ được theo dõi đến 180 ngày. Kết quả, vaccine Sputnik V tạo ra phản ứng miễn dịch ở tất cả những người tham gia, thúc đẩy hệ thống miễn dịch sản xuất các kháng thể trung hòa (các phân tử có thể bám vào virus và ngăn chặn nó lây nhiễm sang các tế bào) và các tế bào miễn dịch khác, chẳng hạn như tế bào T, chống lại virus SARS-CoV-2.

“Cả 2 công thức vaccine đều an toàn và được dung nạp tốt. Các tác dụng phụ nhẹ thường gặp nhất là: đau tại chỗ tiêm, tăng nhiệt độ cơ thể, nhức đầu, suy nhược, đau cơ và khớp nhưng không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào”, tác giả nghiên cứu viết.

Dữ liệu này được công bố vài tuần sau khi Nga thông báo đã cấp phép cho Sputnik V, vaccine Covid-19 đầu tiên để tiêm chủng đại trà. Tuy nhiên, việc Nga phê chuẩn vaccine Covid-19 sớm nhất thế giới nhận không ít chỉ trích từ nhiều chuyên gia y tế công cộng do cho rằng động thái này quá vội vàng, không có đủ dữ liệu để chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả.

Trong bài bình luận trên tạp chí The Lancet vào cùng ngày 4-9, Phó giáo sư Naor Bar-Zeev, trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và Tiến sĩ Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại trường Bloomberg cho rằng, tương tự như các nghiên cứu trước đó, những kết quả này là “đáng khích lệ nhưng nhỏ”: “Tính sinh miễn dịch có dấu hiệu tốt, mặc dù không thể suy luận gì về tính sinh miễn dịch ở các nhóm tuổi lớn hơn và hiệu quả lâm sàng của vaccine Covid-19 vẫn chưa được chứng minh”. Nói cách khác, vẫn chưa biết liệu vaccine có thực sự ngăn ngừa nhiễm bệnh hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia nói trên cho rằng, dù vaccine Covid-19 được chứng minh an toàn sẽ là điều “quan trọng” để công chúng tin tưởng và sẵn sàng mua vaccine.

Theo Clinicaltrials.gov, vào ngày 26-8, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya đã nhận được sự chấp thuận để tiến hành giai đoạn 3 thử nghiệm loại thuốc này trên một nhóm người rộng rãi hơn và là cách duy nhất để chứng minh một loại vaccine vừa an toàn vừa hiệu quả. Thử nghiệm dự kiến có sự tham gia của 40.000 người và bao gồm cả nhóm sử dụng giả dược.

Mỹ gấp rút ra mắt vaccine Covid-19 trước bầu cử

Trong khi đó, chính quyền Mỹ mới đây đã thúc giục các bang sẵn sàng cho việc ra mắt vaccine Covid-19 tiềm năng 2 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống 3-11. Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đề nghị các bang xóa bỏ các rào cản, tạo điều kiện để mạng lưới các trung tâm phân phối vaccine có thể “vận hành hoàn toàn trước ngày 1-11-2020”.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị sẵn sàng vaccine để phân phối cho các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm virus cao và nhân viên y tế tuyến đầu vào tháng 11 sẽ dựa trên các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Các nhà sản xuất vaccine có mục tiêu thu hút ít nhất 30.000 người tham gia thử nghiệm, một số người sẽ được tiêm vaccine và những người khác sẽ tiêm giả dược. Thông thường, mỗi loại vaccine gồm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng và cần có thời gian để xác minh xem các loại vaccine tiềm năng có hoạt động và an toàn hay không. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nêu khả năng rằng một loại vaccine có thể sẽ được cấp phép khẩn cấp trước khi kết thúc các cuộc thử nghiệm.

Hiện Mỹ đã ghi nhận gần 6,3 triệu ca mắc, trong đó gần 190.000 người thiệt mạng do Covid-19. Trong khi đó, nhiều người lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump đang vội vàng để có vaccine trước ngày 3-11.

“Hiện chưa có loại vaccine Covid-19 nào của Mỹ hoàn tất các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3. Việc vội vàng hoàn tất mọi quy trình trong vòng 59 ngày nữa sẽ là điều nguy hiểm”, nhà dịch tễ học Laurie Garret đặt câu hỏi trên Twitter cá nhân.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ngày 3-9 nói, ông sẽ “không quá ngạc nhiên” nếu một loại vaccine được công bố vào mùa thu này. “Có khả năng vaccine sẽ ra mắt trước thời điểm dự kiến hay không? Câu trả lời là có. Tôi nghĩ điều đó khó xảy ra, nhưng tôi nghĩ là vẫn có thể”, Tiến sĩ Fauci nói thêm.

“Chúng tôi không mong đợi việc tiêm chủng phổ biến phòng Covid-19 cho đến giữa năm 2021. Các thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ cần phải tiếp tục đủ lâu để xác định mức độ bảo vệ thực sự và an toàn của một vaccine tiềm năng”.

Bà Margaret Harris (người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới phát biểu ngày 4-9)