Nga tuyên bố rút khỏi Hiệp ước kiểm soát quân đội châu Âu

ANTĐ - Trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga đăng tải thông tin, Moscow tuyên bố chấm dứt  hoàn toàn mọi hoạt động, rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng vũ trang tiêu chuẩn ở châu Âu (CFE). 

Nga tuyên bố rút khỏi Hiệp ước kiểm soát quân đội châu Âu  ảnh 1Nga rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng vũ trang tiêu chuẩn ở châu Âu
Thông tin cho hay: “Nga đã quyết định dừng tham dự các phiên thảo luận (của CFE – NV) từ ngày 11-3-2015. Vì vậy, nước Nga cũng chấm dứt mọi hoạt động tuân theo hiệp ước này. Bởi các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực sự muốn bỏ qua các quy định của CFE bằng cách mở rộng liên minh”.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, động thái trên không có nghĩa là Moscow sẽ chấm dứt mọi đối thoại xung quanh việc kiểm soát lực lượng vũ trang thông thường tại châu Âu. Các kênh đối thoại chỉ được nối lại một khi hiệp định này đáp ứng được cả lợi ích của châu Âu và nước Nga.

Hiệp ước CFE ban đầu được ký kết bởi 16 quốc gia thành viên liên minh quân sự NATO và 6 thành viên của liên minh quân sự Khối Warsaw vào năm 1990. Nó đặt ra “mức trần” số lượng vũ khí thông thường, xe tăng, xe thiết giáp, pháo, trực thăng và máy bay chiến đấu mà mỗi quốc gia được phép có. Chẳng hạn, theo một số điều khoản, một quốc gia không được vượt quá 16.500 xe tăng hay 27.300 xe thiết giáp đang hoạt động.

Một phiên bản “sửa đổi” khác của CFE được ký kết vào năm 1999, nhưng các thành viên của NATO từ chối phê chuẩn nó cho đến khi Nga rút quân khỏi Gruzia và khu vực ly khai Moldovan của Transdnestria, vì vậy, Moscow xem CFE là một “mối liên hệ giả tạo”.

Trong tháng 12- 2007, Nga áp đặt một lệnh cấm đơn phương về hiệp ước CFE, với lý do đó là có sự bất hợp lý trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu của NATO và việc liên minh từ chối  phê chuẩn phiên bản “sửa đổi”.

Tháng 11-2014, các nước thành viên NATO cho biết, họ đã không còn trao đổi thông tin về vũ khí thông thường  và quân đội với Nga nữa. Đến ngày 11-3-2015, Moscow chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước CFE. 

Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời ông Anton Mazur, trưởng phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán ở Vienna về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí rằng: “Trong bối cảnh này, thực sự là vô nghĩa để Nga tham gia vào các cuộc họp của Nhóm tư vấn… vì lý do chính trị, thực tiễn và sự bất hợp lý trong quan điểm về kinh tế tài chính của nhóm này”.