Về lý thuyết, cầu vượt Ngã Tư Sở có tác dụng làm giảm xung đột tại đoạn giao cắt giữa đường Trường Chinh - Láng và Nguyễn Trãi - Tây Sơn. Trước đây, khi cầu này chưa được xây dựng, khu vực này trở thành nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông mỗi khi đi qua đây vào khoảng thời gian từ 7h-9h và 17h-19h hàng ngày. Chính vì vậy, việc đưa tuyến giao thông Nguyễn Trãi - Tây Sơn lên cao vượt qua ngã tư để giảm tải phương tiện qua lại đã giúp không chỉ lực lượng CSGT mà ngay cả người dân cũng bớt đi gánh nặng và bức xúc.
Thế nhưng, khi nút giao thông nói trên vừa mới được giải quyết thì cũng ngay tại đây lại xuất hiện thêm một nút ngã tư mới. Điều bất hợp lý là nút ngã tư này xuất hiện ngay dưới chân cầu vượt khiến cho việc đi lại của tuyến đường ngày càng khó khăn. Theo ghi nhận của phóng viên, có hai nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất, việc tuyến đường mới ven sông Tô Lịch chạy song song với phố Khương Trung mới đưa vào sử dụng đều dẫn ra chân cầu vượt đã hình thành một đường ngang khiến cho đoạn giao cắt này tăng thêm phương tiện và xung đột với tuyến giao thông Nguyễn Trãi - Tây Sơn. Thứ hai, là ngay dưới chân phía Nam cầu vượt Ngã Tư Sở có một dải phân cách được mở để cho các phương tiện quay đầu. Vào giờ cao điểm, chỉ cần một phương tiện lưu thông theo hướng Nguyễn Trãi – Tây Sơn (hoặc ngược lại) muốn quay đầu thì ngay lập tức nơi đây sẽ bị ùn tắc cục bộ. Và với lưu lượng phương tiện qua lại lên tới hàng nghìn chiếc xe thì việc ùn ứ sẽ nhanh chóng tăng lên gấp nhiều lần chỉ trong nháy mắt.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ vào chiều 4-12, ông Nguyễn Trọng Hiếu, cán bộ Thanh tra giao thông (TTGT) làm nhiệm vụ tại đây cho biết: “Khu vực này vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của TTGT quận Thanh Xuân. Tuy nhiên thời gian gần đây do việc ùn tắc ngày càng nghiêm trọng nên TTGT thành phố phải tăng cường thêm đội chúng tôi xuống địa bàn để tham gia giải tỏa và phân luồng vào giờ cao điểm. Có tới hàng nghìn chiếc xe máy và ô tô đan xen lẫn nhau và mọi việc càng khó giải quyết khi người tham gia giao thông trở nên thiếu ý thức khi mạnh ai người đó đi. Ngày nào cũng như ngày nào, mặc dù chúng tôi ra sức chỉ huy, giải tỏa cùng CSGT nhưng hôm nào cũng phải mất tối thiểu 2 tiếng đồng hồ thì tuyến đường này mới thông trở lại”.
Để giảm bớt tình trạng ùn tắc này, lực lượng CSGT đội 7, Phòng CSGT CATP Hà Nội đã phải sử dụng một biện pháp là vào giờ cao điểm tạm thời căng dây phản quang ngăn các phương tiện quay đầu tại điểm quay xe dưới chân phía Nam cầu vượt để giảm bớt xung đột. Trung tá Nguyễn Văn Dũng, cán bộ CSGT đội 7 làm nhiệm vụ tai đây cho biết: “Việc căng dây này chỉ là biện pháp tình thế. Bởi thực tế khi không quay xe được tại đây thì các phương tiện lại dồn xuống phía dưới và tiện đâu quay xe đó thì cũng xuất hiện ùn tắc. Ngoài ra, dòng phương tiện đổ ra từ con đường mới mở ven sông Tô Lịch cũng khiến việc xung đột giao thông tại đây trở nên trầm trọng”.
Theo đại diện Đội CGTS số 7 thì chỉ riêng điểm ùn tắc này, vào giờ cao điểm đội 7 phải huy động tới 5 chiến sỹ vào việc chỉ huy giao thông nhưng cũng rất vất vả. “Mở dải phân cách cho xe quay đầu ngay dưới chân cầu vượt là điều rất bất hợp lý. Chúng tôi đã gửi văn bản đề xuất với Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho bịt chỗ quay đầu này, yêu cầu các phương tiện di chuyển xuống ngã tư phía dưới cách đây 300m để quay xe nhưng gần 2 tháng nay vẫn chưa có động tĩnh gì” - vị đại diện này cho biết.