Nga-Trung khởi động đào kênh Nicaragua, đánh vào sân sau của Mỹ

ANTĐ - Ngày 22-12, Trung Quốc đã bắt đầu các công việc xây dựng kênh đào Nicaragua bất chấp sự phản đối của người dân địa phương và các chuyên viên môi trường.

Trung Quốc khởi động đào kênh, bất chấp phản đối của dân bản xứ

Nhà đầu tư và kiêm nhà thầu - công ty Hồng Kông “HK Nicaragua Canal Development Investment” - đảm bảo rằng, việc xây dựng con kênh này sẽ không gây thiệt hại cho môi trường và ngành du lịch, đồng thời nó sẽ còn tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động bản địa.

Ngày 13-6-2013, với số phiếu thuận 61 so 28 phiếu phản đối, Quốc hội Nicaragua đã biểu quyết thông qua dự án kênh đào xuyên Nicaragua có tổng vốn đầu tư 40 tỉ USD, nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đây là dự án được coi là lịch sử trong hợp tác phát triển kinh tế với nước ngoài của quốc gia này.

Ngày 15-6-2013, Tổng thống Daniel Ortega và người đứng đầu HKND - doanh nhân người Trung Quốc Wang Jin ký Hiệp nghị, chính thức cấp phép đầu tư xây dựng dự án lớn nhất châu Mỹ Latin trong 100 năm qua. Công ty của Trung Quốc được ưu đãi trao cho quyền xây dựng và quản lý kênh cùng các dự án liên quan trong thời hạn 50 năm.

Về phía Nicaragua, họ sẽ được nhận 1% lợi nhuận trong năm đầu tiên kênh đào đi vào hoạt động và tỷ lệ lợi nhuận được hưởng sẽ tăng 10% sau mỗi thập kỷ và sẽ đạt 100% sau 100 năm. Như vậy, sau 100 năm Nicaragua mới chính thức lấy lại quyền quản lý con kênh của mình.

Công trình xây dựng kênh đào Nicaragua được mệnh danh là “dự án thế kỷ” không chỉ do số vốn đầu tư khổng lồ của nó. Con kênh sẽ kết nối Thái Bình Dương với Biển Caribe, rút ngắn hành trình tàu bè hàng chục ngàn km và sẽ là một đối thủ cạnh tranh chính của kênh đào Panama, mà ngay cả sau khi tu sửa cũng chỉ có thể đảm đương được một nửa công suất vận chuyển.

Kênh đào Nicaragua được khởi công cách kênh đào Panama khoảng 600km

Kênh đào Nicaragua tương lai với chiều dài 278 km sẽ đi từ cửa sông Brito trên bờ Thái Bình Dương đến cửa sông Punta Gorda trên bờ Đại Tây Dương, cách kênh đào Panama khoảng 600km. Tham gia công việc xây dựng sẽ có 200 nghìn công nhân. Theo dự kiến, ​​con kênh mới sẽ đảm bảo khoảng 5% lưu lượng vận tải đường biển quốc tế.

Chủ đầu tư của dự án là công ty Trung Quốc HK Nicaragua Canal Development Investment, đã thắng thầu gói thầu hơn 40 tỷ USD để xây dựng và vận hành kênh trong vòng 100 năm. Ngoài việc hỗ trợ kinh tế, Nga hứa hẹn sẽ cung cấp hỗ trợ chính trị và quân sự. Đặc biệt Nga sẽ bảo vệ công trình chống các hành động khiêu khích có thể.

Đường thủy mới từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương là đối thủ cạnh tranh với kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát. Dự án quốc gia của Nicaragua là đứa con tinh thần của Tổng thống Daniel Ortega và chính phủ của ông - những người luôn khăng khăng cho rằng con kênh này sẽ tạo thêm những động lực cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương lo ngại rằng do thu hồi đất để xây dựng công trình này, họ phải rời bỏ nhà cửa, mất đất canh tác của mình mà chỉ nhận được đền bù ít ỏi. Những nhà hoạt động nước này tổ chức biểu tình vì lo ngại hoạt động xây dựng sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho hồ nước lớn nhất Trung Mỹ.

Ngay trước lễ khởi công xây dựng kênh đào, họ đã tổ chức một cuộc biểu tình tại thủ đô Managua. Hàng ngàn người, bao gồm những người nông dân và nhà hoạt động bản xứ đã tổ chức cuộc biểu tình lớn phản đối gay gắt việc Trung Quốc xây dựng kênh đào Nicaragua (Nicaragua Canal).

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega (trái) bắt tay với tỷ phú Trung Quốc Wang Jin trong lễ ký thỏa thuận khung về xây dựng kênh đào hôm 14-6-2013

Tại thủ đô Managua, những người phản đối vẫy cờ Nicaragua và hô vang: "Người Trung Quốc xéo đi!", ám chỉ hành động xua đuổi công ty từ Hồng Kông, một số thanh niên quá khích còn dương biểu ngữ: "Ortega (chỉ Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega) đang bán quê hương của chúng ta".

Tuy nhiên, Công ty Hồng Kông “HK Nicaragua Canal Development Investment” - không băn khoăn trước thái độ này bởi đằng sau họ là Trung Quốc, nước không có quan hệ ngoại giao chính thức với Nicaragua (Managua xây dựng quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan).

Các công việc bắt đầu đúng thời hạn quy định bởi tổng số vốn đầu tư đã được nâng lên một con số kinh hoàng là 50 tỷ USD. Đồng thời, công ty Hồng Kông còn cam kết với Nicaragua là sẽ xây dựng dọc theo tuyến kênh này 2 khu mậu dịch tự do, 1 đường ống dẫn dầu, 1 sân bay và 1 tuyến đường sắt.

Nga bắt tay Trung Quốc khuấy đảo sân sau của Mỹ

Bất chấp tình hình tài chính khó khăn của Moscow trong vòng vây của Mỹ và EU, đại diện của các công ty Nga đã đến Nicaragua để đánh giá tính khả thi của việc tham gia vào dự án. Thông tin này đã được công bố vào ngày 12-12 tại Moscow, theo kết quả cuộc thảo luận tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Nga-Nicaragua.

Các doanh nghiệp Nga còn nhận được sự hậu thuẫn lớn của Tổng thống Vladimir Putin với nỗ lực vận động chính trị cho sự tham gia của Nga vào dự án. Vào tháng 7-2014, ông Putin đã có cuộc gặp gỡ đầy bí ẩn với Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, nhân chuyến công du đến Mỹ Latin tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối BRICS, tổ chức ở Brazil.


Nga-Trung khởi động đào kênh Nicaragua, đánh vào sân sau của Mỹ ảnh 3Tổng thống Nigaragua Daniel Ortega (phải) đón Tổng thống Nga Putin tại sân bay ở thủ đô Managua

Theo lịch trình của chuyến công du Mỹ Latin đó, ông Putin sẽ chỉ đến thăm Cuba, Argentina, Brazil, trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS, nhưng sau chuyến thăm Cu Ba, ông Putin đã đột ngột thay đổi lịch trình với chuyến thăm viếng bất ngờ đến Nicaragua, trước khi sang Argentina.

Đặc biệt, chuyến thăm viếng bất thường của Tổng thống Putin cũng là chuyến công du đầu tiên trong lịch sử của một nguyên thủ nhà nước Nga đến nước cộng hòa này. Điều đó cho thấy, phải có một sức hút rất lớn mới khiến ông Putin đột nhiên tiến hành chuyến thăm viếng đầy bất ngờ đến Managua.

Tại cuộc họp với Tổng thống Daniel Ortega, Tổng thống Nga Putin đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc cung cấp máy móc nông nghiệp, lúa mì của Nga và tăng cường đầu tư sang Nicaragua, cũng như triển khai các trạm GLONASS mặt đất trên lãnh thổ nước cộng hòa Mỹ Latinh này.

Theo Tổng thống Putin, vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển mối quan hệ hai nước hiện vẫn đang chưa cân xứng với tiềm năng. Nhưng ông tin tưởng rằng Nga và Nicaragua có nền móng tốt cho mối quan hệ song phương phát triển trong tương lai. Đó chính là việc tham gia vào dự án kênh đào Nicaragua của các công ty Nga.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Xã hội của Nga Vladimir Yevseyev nói: “Đây là một động thái rất quan trọng và là một bước địa chính trị mạnh mẽ - cùng với Trung Quốc tham gia một dự án hứa hẹn trở thành đối thủ cạnh tranh với kênh Panama do Mỹ kiểm soát”.

Dân Nicaragua biểu tình phản đối dự án kênh đào Nicaragua

Rõ ràng là, Moscow không đủ dự trữ vật chất để một mình thực hiện dự án này, cơ sở tài chính về cơ bản sẽ do Bắc Kinh đảm bảo. Nếu Trung Quốc không chi ra những khoản tiền lớn thì Nga sẽ không đủ lực tham gia vào một dự án tốn kém như vậy. Vì vậy, hai đối tác chiến lược Nga và Trung Quốc sẽ bổ sung cho nhau trong dự án này.

Theo các nguồn tin ngoại giao, nếu một số công ty Nga được phép tham gia đầu tư vào dự án, Moscow có ý định sẽ dành sự hỗ trợ quân sự và chính trị cho công trình này. Tức là, Nga sẽ cung cấp khả năng đảm bảo sự an toàn của công trình và bảo vệ con kênh khỏi những “hành động khiêu khích có thể xảy ra”.

Để đảm bảo sự hỗ trợ này, Nicaragua đã cho phép các tàu chiến và máy bay của Nga tuần tra đường biên giới trên bờ Thái Bình Dương và ở vùng biển Caribê. Đầu tháng 12, Moscow đã phê duyệt thỏa thuận với Managua về đơn giản hóa thủ tục các tàu chiến Nga tiếp cận các cảng của Nicaragua. Vào nửa đầu năm 2015, Nga có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ này.

Nga và Trung Quốc cho rằng, Hoa Kỳ đang kiểm soát thực tế các eo biển Malacca, Singapore, Gibraltar, các kênh Suez và Panama. Rõ ràng, đường thủy mới từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương sẽ thay đổi tình hình chính trị và kinh tế thế giới có lợi cho những người kiểm soát kênh đào mới.

Vì vậy, việc Bắc Kinh và Moscow triển khai dự án xây dựng kênh đào Nicaragua như một thách thức trực tiếp với Washington. Không phải ngẫu nhiên mà một số chuyên gia Nga cho rằng, Mỹ đang kích động các hành động phản đối dự án này của những người dân bản địa, trong các cuộc biểu tình chống lại việc xây dựng kênh đào.