Nga triển khai tên lửa S-400 đến biên giới phía tây đối phó NATO

ANTĐ - Ngày 25-6, phát ngôn viên Quân khu phương Tây của Nga Oleg Kochetkov cho biết, quân khu này sẽ tiếp nhận một số lượng hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf và Pantsir-S không xác định vào cuối năm 2015.

“Các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf hiện đại và hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S sẽ được biên chế cho các đơn vị phòng không của Quân khu phương Tây vào cuối năm nay”, Đại tá Kochetkov cho biết.

S-400 Triumf (SA-21 Growler) là một hệ thống vũ khí phòng không thế hệ tiếp theo của Nga, được thiết kế để có thể sử dụng được 3 loại tên lửa khác nhau, có thể tiêu diệt được các mục tiêu trên không từ phạm vi ngắn đến rất xa.

Trong khi đó, Pantsir-S1 (SA-22 Greyhound) là hệ thống pháo và tên lửa phòng không tầm ngắn đến tầm trung, lần đầu tiên được biên chế vào năm 2012 và sẽ dần dần thay thế cho loại vũ khí phòng không tự hành Tunguska, hiện đang được biên chế trong lực lượng phòng không Nga.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga

Hồi đầu tuần, ông Kochetkov cũng từng tuyên bố, nước này đã quyết định tăng cường thêm các máy bay chiến đấu tiên tiến cho lực lượng không quân thuộc Quân khu phương Tây, giáp với một số quốc gia NATO, trong đó có 3 nước Cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ là Estonia, Latvia và Litva.

Theo Đại tá Kochetkov, đến cuối năm 2015, 10 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-35 và Su-30SM mới nhất sẽ được trang bị cho các đơn vị của quân khu này, nằm trong khuôn khổ chương trình triển khai trang bị mới cho quân đội Nga trong năm 2015, thuộc một phần trong kế hoạch thay máu trang bị của quân đội nước này trước năm 2020.

Nga hiện đang thực hiện một chương trình tái trang bị vũ khí trị giá 325 tỷ USD nhằm tăng cường tỷ lệ vũ khí hiện đại của các lực lượng vũ trang lên 70% vào năm 2020.

Tuyên bố của ông Kochetkov được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 23-6 tuyên bố rằng nước này sẽ triển khai khoảng 250 chiếc xe tăng, xe bọc thép và thiết bị quân sự tại Đông Âu, trong đó có Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, và Romania.