Nga thất thế trên thị trường buôn bán vũ khí

ANTĐ - Năm 2012, chỉ tính các giao dịch đã hoàn tất, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Cục hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) đạt 65 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái là 35 tỷ USD.

Tình hình giao dịch thương mại vũ khí của DSCA rõ ràng là tốt hơn rất nhiều so với công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport), tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của họ chỉ đạt 14 tỷ USD, tăng trưởng vẻn vẹn 500 triệu USD so với năm ngoái.

Nga thất thế trên thị trường buôn bán vũ khí ảnh 1

F-35B cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng có giá mới nhất là 113 triệu USD

Xét về tiêu chí cạnh tranh, với tính tin cậy thấp và giá thành bảo dưỡng, sửa chữa cho một vòng đời trang bị cao hơn rất nhiều, Nga đã bị mất khá nhiều hợp đồng béo bở, ví dụ như: dự án máy bay chiến đấu hạng trung (MMRCA) và máy bay vận tải hạng nặng của không quân Ấn Độ, 2 dự án này lần lượt rơi vào tay 2 công ty Dassault Aviation của Pháp và công ty Boeing của Mỹ.

Chỉ tính riêng 2 hợp đồng này Nga đã thiệt hại tới hàng chục tỷ USD. Là một khách hàng truyền thống trong lĩnh vực mua sắm vũ khí, trang bị của Nga, nhưng do Nga chậm trễ trong bàn giao trang bị và sự không hài lòng trong vấn đề kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa nên Ấn Độ đã chuyển hướng sang các nhà thầu Mỹ và châu Âu.

Nga thất thế trên thị trường buôn bán vũ khí ảnh 2

Nếu bán được Su-35 với giá 60 triệu USD/1 chiếc, Nga sẽ cải thiện được 
cán cân thương mại vũ khí so với Mỹ

Theo Cục hợp tác công nghệ quốc phòng Nga, năm 2012 Nga cũng giành  được một số hợp đồng xuất khẩu vũ khí trị giá gần 15 tỷ USD nhưng những hợp đồng này có thời hạn bàn giao và thanh toán vào những năm sau. Hiện nay, ngoài Ấn Độ ra, Nga còn một số khách hàng truyền thống như: Việt Nam, Myanmar, Venezuela và một số khách hàng tiềm năng ở Trung Đông.