Nga tăng cường sức mạnh, đề phòng đòn tấn công toàn cầu của Mỹ

ANTĐ -  Nga đang thực hiện những bước đi chủ động trong việc nâng cấp khả năng phòng không để chống lại mối đe doạ từ chương trình “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” (PGS) của Mỹ, phó chỉ huy Lực lượng phòng thủ không gian Nga, Đại tướng Kirill Makarov cho hay. 

Mối đe doạ từ chương trình “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” đối với Liên bang Nga là một trong những thách thức hàng đầu với Lực lượng phòng thủ không gian, Đại tướng Kirill Makarov nói với đài tin tức phát thanh Nga (Russian News Service).

Một hệ thống phòng không hiệu quả vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga kể từ khi PGS được xây dựng nhằm mục đích tấn công bằng vũ khí thông thường có độ chính xác cao mọi mục tiêu trên thế giới trong thời gian chưa đến một giờ, ông Makarov.

PGS có cấu trúc chung giống với một “bộ 3 hạt nhân” bao gồm khả năng tấn công bằng vũ khí thông thường từ đất liền hoặc biển sử dụng các tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tên lửa hành trình, khả năng tấn công từ trên không bằng tên lửa siêu thanh và oanh tạc từ các căn cứ trên không gian ngoài trái đất.

Nga quan ngại chương trình "Tấn công chớp nhoáng toàn cầu" của Mỹ 

Nga ước lượng rằng vào năm 2020 Mỹ sẽ có khoảng 8.000 tên lửa hành trình, trong đó khoảng 6.000 tên lửa sẽ mang được đầu đạn hạt nhân, do đó, việc Mỹ có thể tấn công vươn tới lãnh thổ Nga là hoàn toàn có thể xảy ra, ông Makarov.

Học thuyết quân sự của Nga mới cập nhật vào năm ngoái đã nhấn mạnh rằng quân đội chỉ được sử dụng như một biện pháp phòng thủ, tuy nhiên liệt chương trình PGS của Mỹ vào một trong những mối đe doạ tới an ninh quốc gia, bên cạnh việc NATO phát triển quân đội gần biên giới Nga.

Vào năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov đã khẳng định rằng quân đội Nga có khả năng và phải phát triển một hệ thống tương tự như PGS nhằm tạo ra đối trọng với Mỹ.

Để chống lại mối đe doạ này, Nga đang phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không lưu động S-500, có khả năng đánh chặn các mục tiêu siêu âm. Hiện tại hệ thống này vẫn đang trong giai đoạn phát triển, tuy nhiên, theo ông Makarov, một khi hoàn thành nó có khả năng bảo vệ nước Nga khỏi các tên lửa đạn đạo có khả năng thay đổi hướng linh hoạt.

Ngoài việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và pháo kích đến Bắc Cực, Moscow cũng đang có kế hoạch sử dụng máy bay đánh chặn MiG-31 nhằm bảo vệ cho các tàu thuyền Nga chạy dọc biển Bắc. Bên cạnh đó, một trạm radar hoàn toàn tự động cũng được thử nghiệm tại Bắc Cực và chỉ yêu cầu bảo trì một lần trong một tháng.