Nga tái triển khai các “Sát thủ vô hình trên tàu hỏa”

ANTĐ - Ngày 23-4, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yury Borisov cho biết, Viện Công nghệ Nhiệt Moscow đã bắt đầu triển khai một chương trình nghiên cứu và phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cơ động trên tàu hỏa mới.

Theo ông, công việc phát triển loại tên lửa này đang trong giai đoạn đầu, chi phí của chương trình này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, ông không cho biết thời gian thực hiện và hoàn thành chương trình này.

Viện Công nghệ Nhiệt Moscow là nhà phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo Bulava (triển khai trên tàu ngầm) và Yars và Topol (triển khai trên đất liền).

Hạ quả tên lửa xuống, con tàu này sẽ giống hệt những đoàn tàu thông thường

Một hệ thống tên lửa nguyên mẫu đầu tiên có thể được triển khai trước năm 2020, một quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết hồi tháng 12 năm ngoái. Các hệ thống tên lửa mới này sẽ có trọng lượng bằng nửa những tên lửa cùng loại của Liên Xô đã ngừng hoạt động, cho phép chúng phù hợp để triển khai trên một toa tàu, ông cho biết thêm.

Hệ thống tên lửa cơ động trên tàu hỏa ban đầu bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-24 Scalpel nặng 104 tấn, phải cần đến 3 đầu máy xe lửa để vận chuyển, và quá nặng nên chúng đã làm hư hỏng đường ray xe lửa. Loại tên lửa này đã được triển khai trên tàu hỏa để giúp chúng khó bị phát hiện hơn so với các bệ phóng cố định, không ai có thể biết được con tàu nào trong số hàng ngàn đoàn tàu đang xuôi ngược trên đường ray chứa đựng loại tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.có sức hủy diệt toàn thế giới.

1 quả tên lửa sẽ nằm gọn trong 1 toa tàu

Quân đội Liên Xô đã triển khai tên lửa tầm xa cơ động trên đường sắt đầu tiên vào năm 1987, và đã triển khai được 12 hệ thống này vào năm 1991. Tên lửa cơ động trên đường sắt đã được loại khỏi biên chế vào năm 2002 và hệ thống cuối cùng đã được tháo dỡ vào năm 2007 theo hiệp ước cắc giảm vũ khí START II với Mỹ.

Tuy nhiên, hiệp ước START III mới, được ký kết năm 2010, lại không cấm việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động trên đường sắt.