Nga sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng bất chấp tăng trưởng kinh tế thấp

ANTĐ - Tổng thống Putin đã chi 576 tỷ USD để đến 2020, Nga sẽ có một quân đội hiện đại với khoảng 1 triệu binh sỹ, hàng ngàn xe tăng và máy bay mới, hàng trăm vệ tinh mới cùng với đó là những loại vũ khí hiện đại nhất thế giới.
Nga sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng bất chấp tăng trưởng kinh tế thấp ảnh 1

Chương trình hiện đại hóa quân đội trong 10 năm đã được lập trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, khi mà ông Putin trở lại chức vụ Tổng thống. Theo Moscow Times, nhiều tuyên bố từ các quan chức quốc phòng Nga trong thời gian gần đây đã cho thấy tham vọng hiện đại hóa quân đội của Moscow. Gần đây nhất, phó Thủ tướng Dmitry Rogozin nói rằng lực lượng hạt nhân, xương sống của sức mạnh quân sự Nga, sẽ được trang bị toàn bộ các hệ thống tên lửa mới vào năm 2020. Trả lời phỏng vấn của nhật báo Kommersant, ông nói: “Ý tưởng là từ năm 2015, chúng tôi phải nâng cấp 30% khí tài quân sự và đến năm 2020 là 70%”.

Gần đây, khi Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng ngân sách quốc gia sẽ không thể gánh kế hoạch hiện đại hóa quân đội thì phó Thủ tướng Dmitry Rogozin đã bác bỏ khả năng giảm chi tiêu quân sự. Ông nói khâu hiện đại hóa quân đội vẫn sẽ tiếp tục thực hiện theo sắc lệnh của Tổng thống Putin. Khoản chi này được dự toán sẽ là 23.000 tỷ rúp (576 tỷ USD) đến 2020. Mục tiêu là đến năm 2020, Nga sẽ có khoảng 2.300 xe tăng thế hệ mới, 1.200 tiêm kích và trực thăng hiện đại, khoảng 50 tàu chiến và 28 tàu ngầm mới cùng với khoảng 100 vệ tinh để nâng cao khả năng liên lạc, điều phối và chỉ huy các đơn vị quân đội của nước này.

Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm(SIPRI), mức chi quân sự của Mỹ giảm trong năm ngoái, nhưng của Nga tăng và lần đầu tiên qua mặt Mỹ (kể từ năm 2003) đạt 4,1% GDP. Từ năm 2004 đến 2014, Nga tăng gấp đôi khoản chi quân sự, theo ngân sách mới thông qua, khoản này sẽ còn tăng từ 17,6% tổng khoản chi năm nay lên 20,8%, hoặc 3,36 ngàn tỷ rúp (84,19 tỷ USD) vào năm 2017. Theo  báo Vedomosti dẫn dự thảo ngân sách liên bang giai đoạn 2015 - 2017 cho biết khoản phân bổ dành cho ngân sách quốc phòng dự kiến tăng 21,2% vào năm tới, đạt 78 tỷ USD, bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. 

Trong những lần phát biểu trước các quan chức và dân chúng Nga, Tổng thống Putin đã liên tục phát đi cảnh báo rằng, chính sự yếu ớt về sức mạnh quân sự khiến cho đất nước trở nên “mong manh và dễ vỡ” trước những sức ép từ bên ngoài và là tiền đề cho những bất ổn từ bên trong. Ông khẳng định, nước Nga sẽ cần phải kế thừa truyền thống vẻ vang của Hồng quân Xô viết, nhưng sẽ chuyển dịch cơ cấu để tiến tới xây dựng một quân đội hiện đại hơn, cơ động hơn và được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất theo tiêu chuẩn của một quân đội “hiện đại mang phong cách thế kỷ 21”. Kể cả khi mục tiêu đầy tham vọng của Bộ Quốc phòng Nga không được thực hiện đầy đủ thì quân đội Nga đang phát triển mạnh mẽ, khôi phục lại khả năng của mình, đang bỏ xa châu Âu và có thể trực tiếp thách thức Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, khi chương trình tái nâng cấp quân đội Nga cùng số khí tài cũ kỹ được đề xuất lần đầu tiên năm 2011, chính phủ Nga từng kỳ vọng mức tăng trưởng GDP 6% trong suốt 10 năm. Nay nền kinh tế Nga năm nay khá lắm chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 0,5% và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo sẽ có suy thoái trong hai năm tới. Hiện giá dầu Urals (thương hiệu chính của Nga) khoảng 90 USD/thùng. Việc giá dầu giảm là một trong những yếu tố chính khiến đồng rúp mất giá so với đồng USD. Nguồn thu từ dầu khí chiếm gần một nửa trong tổng nguồn thu của chính phủ Nga. Ngày 8-10, Ngân hàng trung ương Nga (RCB) thông báo đã rót 16,8 tỷ rúp (420 triệu USD) trong đợt can thiệp vào thị trường tiền tệ mới nhất để “cứu” đồng nội tệ của nước này khỏi đà trượt giá sâu hơn. 

Theo Reuters, việc phương Tây cấm vận Nga đã tác động xấu đến sức tăng trưởng kinh tế của Nga, làm suy yếu giá trị đồng rúp, cô lập thị trường Nga khỏi nguồn vốn nước ngoài. Do kinh tế bị ảnh hưởng vì lệnh cấm vận, Nga bằng mọi cách nâng cao kim ngạch xuất khẩu vũ khí. Thậm chí mới đây, lãnh đạo Tập đoàn quốc phòng nhà nước Rosoboronexport tuyên bố lệnh cấm vận phương Tây sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu vũ khí của Nga. RIA Novosti cho biết giá trị vũ khí và khí tài xuất khẩu của Nga đạt 5,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2014, trong khi số tiền đặt cọc cho các đơn hàng đang triển khai đã lên đến 50 tỷ USD. Trong một động thái siết chặt kiểm soát, hồi tháng 9 Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân nắm quyền Hội đồng Công nghiệp quân sự - cơ quan chuyên trách các hợp đồng xuất khẩu vũ khí. 

Theo các nghiên cứu xã hội, đa phần người dân Nga cho rằng nếu họ không có một quân đội đủ mạnh, họ sẽ không thể bảo vệ được những nguồn tài nguyên của mình và nước Nga sẽ không có chỗ đứng trong tương lai. Nước Nga hiện đang trong quá trình đầu tư, xây dựng quân đội mạnh mẽ nhất kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada thực hiện mới đây cho thấy, có khoảng 56% người Nga tuyên bố ủng hộ việc gia tăng ngân sách quốc phòng kể cả việc này sẽ dẫn đến việc kinh tế giảm tốc hay trì trệ.