Nga sẽ đột phá trên thị trường khí hóa lỏng châu Á

ANTĐ - Sau khi ký thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc, Nga đang nghiêm túc triển khai thực hiện bước đột phá mới trên thị trường năng lượng châu Á.

Hiện ngành dầu khí của Nga đang nuôi tham vọng đẩy thị phần của mình trên thị trường khí hóa lỏng (LPG) toàn cầu đạt 15% so với 5% hiện nay. Điều này được ông Alexander Medvedev, một trong những nhà lãnh đạo của tập đoàn Gazprom tuyên bố tại hội nghị quốc tế Dầu khí Sakhalin - 2014, tổ chức cuối tháng 9 vừa qua.

Thực chất, Nga mới có mặt trên thị trường LPG toàn cầu 5 năm gần đây. Phân khúc 5% mà Nga hiện đang chiếm được là từ các khách hàng tại hơn 10 quốc gia và khu vực châu Á. Đối tác chính gồm có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - 3 cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á.

Gazprom mong muốn tăng gấp ba sự hiện diện tại thị trường LNG bằng cách mở rộng công suất của nhà máy Sakhalin-2, đồng thời xây hai cơ sở mới tại Vladivostok trên bờ Thái Bình Dương và gần biển Baltic, tây bắc nước Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng chưa chắc đã đảm bảo cho Nga 15% thị trường,

Chuyên gia Sergei Agibalov từ Viện Năng lượng và tài chính Nga cho biết nhận xét: “Đây là mục tiêu đầy tham vọng, không dễ gì đạt được. 15% là một mục tiêu quá cao, đâu chỉ mình Nga đang hướng tới thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Cạnh tranh gay gắt đang diễn ra giữa cả các nhà xuất khẩu khí đốt”.

Ông phân tích, các phân khúc mới của thị trường châu Á là mục tiêu hướng tới của nhà cung cấp truyền thống từ Trung Đông và Australia. Vì vậy, mục tiêu Nga có khả năng đạt được là 10% tổng thị trường, còn 15% là một con số rất lớn, "cạnh tranh rất căng thẳng”. 

Nga sẽ đột phá trên thị trường khí hóa lỏng châu Á ảnh 1

Gazprom hy vọng sẽ đạt được sự đột phá trên thị trường châu Á

Ông Konstantin Simonov, Giám đốc điều hành Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga cũng đưa ra dự báo cho Nga về phân khúc 10-15% thị trường. Ông cho rằng có ít nhất ba yếu tố thúc đẩy Nga ràng buộc với châu Á để hiện thực hóa những tham vọng trên thị trường LPG.

Theo những dự báo của thế giới, tăng trưởng ​​tiêu thụ năng lượng sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á với những “con rồng, con hổ” về kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ…. Nghĩa là về mặt đáp ứng nhu cầu, về tiếp thị, rõ ràng Nga cần hướng sự quan tâm tới khu vực này.

Nga đang triển khai số lượng đáng kể các dự án ở Đông Siberia. Các mỏ Vankor, Chayanda, Kovykta. Chúng đang được xúc tiến khai thác nhưng khoảng cách từ đó đến châu Âu rất xa. Hơn thế, đáng tiếc là châu Âu không muốn coi Nga như nhà cung cấp đáng tin cậy, vì vậy không có lí do gì Nga không hướng về châu Á - ông Simonov nói.

Những khía cạnh nêu trên xác định lợi ích và tầm quan trọng của châu Á đối với Nga, một thị trường có 60% nhu cầu cầu được đáp ứng bởi nhập khẩu.

Hiện các đối tác tiềm năng mới của Nga là Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Hơn thế, Thái Lan và Việt Nam, cũng như Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc còn hấp dẫn các dự án LPG Nga từ quan điểm nhu cầu nhiên liệu động cơ.

Hiện tại, Trung Quốc đang là thị trường LPG trong lĩnh vực giao thông lớn nhất và phát triển nhanh nhất. Trung Quốc tích cực mở rộng việc sử dụng nhiên liệu gas trong hoạt động vận chuyển hành khách. Công ty vận hành xe buýt của Bắc Kinh sở hữu 6000 xe buýt chạy CPG và con số này đang ngày càng tăng lên.