Nga quyết không bỏ "cuộc đấu" tên lửa phòng không ở Thổ Nhĩ Kỳ

ANTĐ - Ngày 19-5, giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport Sergei Ladygin cho biết, Nga sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ phát triển một tổ hợp phòng không tầm xa dựa trên các hệ thống tên lửa phòng không S-300.

Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một gói thầu mua hệ thống phòng không tầm xa nhưng cho đến nay chưa có nước nào được tuyên bố chiến thắng.

"Nga sẵn sàng đề xuất tham gia gói thầu này một sản phẩm liên doanh giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên hệ thống Antey-2500 [phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không S-300]. Như là, đặt hệ thống phòng không này lên trên xe kéo của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Ladygin cho biết tại triển lãm vũ khí ở thủ đô Lima của Peru.

Rosoboronexport cũng đã đề xuất rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nỗ lực để đưa hệ thống phòng không này xuất khẩu ra thị trường các nước thứ 3, ông cho biết.

"Đó là, có thể thảo luận việc bán giấy phép sản xuất hệ thống phòng không này cho các nước khác trên thế giới", ông nói.

Phiên bản hiện đại của hệ thống phòng không S-300, được gọi là S-300PMU1, có tầm bắn hơn 150 km và có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay ở cả tầm thấp và tầm cao, và có thể né tránh hiệu quả các cuộc không kích.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga

Hệ thống S-300V/Antey 2500 (NATO gọi là SA-12 Gladiator/Giant) bao gồm một xe chỉ huy mới, một hệ thống radar hiện đại và có đến 6 ống phóng trên mỗi bệ phóng.

Được biết, tham gia đấu thầu cùng với S-300 còn có: Hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 SAMP/T của công ty tên lửa phòng không châu Âu (EUROSAM); hệ thống tên lửa phòng không “Patriot” do công ty Lockheed Martin và công ty Raytheon Mỹ hợp tác phát triển và hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 (Hồng Kỳ-9) của Công ty xuất nhập khẩu cơ giới chính xác Trung Quốc.

Vừa qua, cả 4 công ty đều đang mang sản phẩm sang Hội chợ Công nghiệp Quốc phòng quốc tế (IDEF) Thổ Nhĩ Kỳ 2013 để bước vào “Trận đánh lớn cuối cùng” và đồng loạt đưa ra các chiêu khuyến mại để đạt được kết quả thuận lợi.

Trong đó, Trung Quốc dùng chiêu giảm giá 1/3, Raytheon dùng phương thức chuyển giao 80% số tên lửa sang cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, EUROSAM thì đề nghị hợp tác phát triển công nghệ với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó nhà thầu Nga vẫn lặng lẽ không thấy đưa ra giải pháp cạnh tranh gì. Giới quân sự cứ tưởng Rosoboronexport đã quyết định bỏ cuộc trước sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ, nhất là trước sức ép của Mỹ và NATO đối với Thổ Nhĩ Kỳ thì bây giờ họ mới lên tiếng.