Nga quyết định không mua bom thông minh KAB-S vì quá đắt

Bộ Quốc phòng Nga từ chối mua bom có điều khiển KAB-S vì giá quá đắt, thay vào đó sẽ cải tiến máy bay để ném bom thông thường với độ chính xác cao.

Izvestia dẫn lời quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã từ chối mua loại bom có điều khiển KAB-S trang bị tổ hợp ngắm sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GLONASS.

Nguyên nhân của quyết định này do giá một quả bom quá đắt, khoảng 97,770 USD/quả, trong khi quả bom thường vào khoảng 32.000 USD/quả.

Bộ Tư lệnh Không quân Nga cho rằng, họ không có nhu cầu đối với KAB-S.

Các máy bay ném bom Su-24 và Tu-22M do Gefest-IT cải tiến nâng cấp đảm bảo độ chính xác ném bom trúng đích cao hơn so với việc dùng bom phá thông thường.

“Bộ Quốc phòng đã thử KAB-S từ 2009. Công ty sản xuất loại bom này trong 3 năm chưa khắc phục được hết các khiếm khuyết đã được phát hiện. Ví dụ, chúng tôi chưa hài lòng với cự li ném bom 6-8km. Cự li này làm tăng nguy cơ phi công bị phòng không của đối phương bắn hạ. Chúng tôi cũng tính đến giá thành quá cao”, đại diện Không quân Nga cho biết.

“Bộ Quốc phòng và Gefest-IT đang cải tiến các máy bay Su-24 và Tu-22M. Cùng với các quân nhân chúng tôi lắp cho những máy bay này những hệ thống điều khiển được gọi là thích ứng có tổ hợp ngắm mục tiêu mới. Nó nâng độ chính xác trúng đích khi dùng bom thường đến mức của bom có hiệu chỉnh", nhà thiết kế chính của Gefest-IT Alexander Panin nói.

Ông này cho biết, quy luật thuật phóng là như nhau đối với bom thường và bom có điều khiển. Trong khi đó, các loại bom đạn điều khiển được cho là dễ bị tổn thương vì thủ đoạn gây nhiễu vô tuyến điện tử của đối phương. Trên thế giới có đủ các hệ thống tác chiến điện tử có thể chế áp các tín hiệu hệ thống định vị toàn cầu GLONASS và GPS.

Nga từ chối bom điều khiển chính xác cao KAB-S vì lý gio tiền bạc và vấn đề kỹ thuật.

Nga từ chối bom điều khiển chính xác cao KAB-S vì lý gio tiền bạc và vấn đề kỹ thuật.

“Nếu máy bay thả bom từ độ cao 8km ở tốc độ 800km/h, thì quả bom bay 11km trong khoảng 1 phút. Không quan trọng đó là bom có điều khiển hay không, các quy luật vật lý là nhất quán. Nếu tính toán đúng tọa độ ban đầu của điểm thả bom, tọa độ mục tiêu và cự li từ điểm thả bom đến mục tiêu, có thể tiêu diệt mục tiêu một cách hiệu quả bằng bom thường rơi tự do. Tổ hợp của chúng tôi cho phép thực hiện các tính toán trên trong nháy mắt”, ông Alexander Panin nói thêm.

Mỹ có loại bom tương tự KAB-S là họ JDАM. Nhờ máy thu GPS có độ chính xác được nâng cấp và các phần bổ trợ khí động mà cự li thả bom là 28km tính từ điểm cắt bom đến mục tiêu, nghĩa là gấp hơn ba lần so với bom của Nga.

“Để bom thông thường rơi trúng mục tiêu, các máy bay Su-24 hặc Tu- 22M được cải tiến nâng cấp sẽ phải giữ đúng hướng bay, tốc độ và độ cao. Chỉ một sự sai lệch nhỏ nhất sẽ làm bom trượt mục tiêu. Chính vào lúc này máy bay ném bom dễ bị tổn thương vì phòng không của đối phương," Chủ tịch Viện đánh giá chiến lược Alexander Konovalov giải thích.

Theo ông Konovalov, máy bay mang bom KAB-S không mắc phải yếu điểm này. Còn nếu lắp thêm cho bom các phần bổ trợ khí động thì cự li cắt bom sẽ tăng lên đến 25-30km.

“KAB-S đắt như vậy vì đó là sản phẩm đơn chiếc. Nếu sản xuất chúng hàng loạt, giá sẽ hạ xuống. Từ năm 2013, Ấn Độ sẽ bắt đầu mua loại bom này. Như vậy nhu cầu trên thị trường vũ khí thế giới là có," đại diện Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Nga cho biết.

KAB-S dùng để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ cố định kiên cố trên mặt đất và mặt biển. Chúng được dùng trong thành phần tổ hợp vũ khí đạn dược của các máy bay như Su-30, Su-34, Su-24M, MiG-29 và các máy bay khác.