Nga quyết đi đầu trong cuộc đua giành “miếng bánh Bắc Cực”

ANTĐ - Ngày 22-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này sẽ thành lập một hệ thống các căn cứ hải quân hợp nhất ở Bắc Cực nhằm tăng cường sự tin cậy trong việc bảo vệ đường biên giới ở khu vực này của Nga.

Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng an ninh, Tổng thống Putin nói: "Việc này cần phải được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc tăng cường lực lượng hải quân của lực lượng biên phòng. Bên cạnh đó, các biện pháp phải được thực hiện để tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự. Đặc biệt, mấu chốt của vấn đề là thành lập một hệ thống các căn cứ hải quân hợp nhất cho các tàu mặt nước và tàu ngầm thế hệ mới của chúng ta tại Bắc Cực".

Ông đã yêu cầu chính phủ cung cấp ngân sách đầy đủ cho việc phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Bắc Cực đến hết giai đoạn 2017-2020, đồng thời cho rằng cần phải thành lập một cơ quan nhà nước riêng biệt để thực thi chính sách của Nga tại Bắc Cực và để cải thiện chất lượng quản lý và ra quyết định tại khu vực này.

Tổng thống Nga cũng đã đưa ra chỉ dẫn với các cơ quan liên quan để phác thảo một mô hình kinh tế tối ưu nhất để phát triển tuyến đường biển phương Bắc tại khu vực Bắc Cực, trong đó có việc chế tạo các tàu phá băng thông thường và hạt nhân mới.
Tàu ngầm Mỹ “thò đầu” lên lớp băng ở Bắc Băng Dương

Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh rằng cần phải quan tâm đến việc phát triển một hệ thống an ninh tích hợp tại khu vực Bắc Cực của Nga để đảm bảo an ninh cho khu vực này.

Tất cả các cơ sở khai thác dầu khí, các kho và đường ống dẫn dầu tại khu vực này phải được bảo vệ an toàn trước các cuộc tấn công khủng bố và các mối đe dọa tiềm năng khác.

Bắc Cực là khu vực rất giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ, đồng thời cũng có tiềm năng trở thành một tuyến đường biển quan trọng khi mà băng tuyết đang tan dần và công nghệ phá băng phát triển. Đặc biệt, đây là một khu vực có ý nghĩa chiến lược về an ninh, quân sự đang được các cường quốc như Mỹ, Nga, Canada… quan tâm. 
Tàu phá băng của Nga tại Bắc Cực

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng nước này sẽ không bao giờ từ bỏ vùng Bắc Cực. Hồi tháng 12 năm ngoái, ông đã ra lệnh cho quân đội phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của Nga tại khu vực này.

Cùng thời gian đó, Canada cũng tuyên bố nước này có chủ quyền đối với khu vực Bắc Cực rộng lớn, mà từ trước đến nay không thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Đồng thời, Mỹ, Đan Mạch và Na Uy cũng đang đẩy mạnh việc kiểm soát Bắc Cực và cho rằng cần phải chia sẻ nguồn tài nguyên lớn chưa được khai thác tại khu vực này. Ngay cả Trung Quốc nằm cách xa hàng ngàn dặm cũng đang mon men len chân vào đòi chia phần.

Hồi tháng 10-2013, Nhà Trắng đã công bố chiến lược quốc gia về khu vực Bắc Cực, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường lợi ích an ninh của Mỹ, theo đuổi các biện pháp nhằm quản lý có hiệu quả khu vực Bắc Cực, và tăng cường hợp tác quốc tế.

Như vậy, dự kiến trong những năm tới, cực Bắc của trái đất sẽ trở nên nóng bỏng với việc các cường quốc tiếp tục tăng cường ảnh hưởng để tranh giành "miếng bánh Bắc Cực" này.