Nga phóng thành công hàng loạt tên lửa đạn đạo

ANTĐ - Thư ký báo chí Tổng thống Putin Dmitry Peskov cho biết, mới đây, các Lực lượng Hạt nhân Chiến lược Nga đã thực hiện cuộc diễn tập bắn tên lửa đạn đạo “có một không hai”.

Ông này tuyên bố với các hãng thông tấn, Tổng thống Nga Vladimia Putin đã trực tiếp chỉ huy kiểm tra hệ thống tự động chỉ huy thông tin liên lạc, cũng như các thuật toán mới chỉ huy kèm theo luyện tập thực tế các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu theo ý đồ thống nhất mọi thành phần của bộ ba hạt nhân: máy bay ném bom tầm xa, bộ phận trên đất liền và trên biển của các Lực lượng Hạt nhân Chiến lược (RVSN).
“Cuộc diễn tập chỉ huy của lực lượng hạt nhân chiến lược với quy mô như vậy lần đầu tiên được tiến hành trong lịch sử nước Nga hiện đại”, ông Peskov nhấn mạnh.
Theo đó, bộ ba chiến lược của Nga, các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa và máy bay ném bom chiến lược mang tên lửa, vào cuối tuần qua, đã khẳng định hiệu quả và độ tin cậy bằng các lần phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa. Bộ Quốc phòng Nga nhận định: “Tất cả các tên lửa đã tiêu diệt các mục tiêu huấn luyện đã chỉ định”.
Phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo
Đầu tiên, tại sân bay Plesetsk (tỉnh Arkhangelsk, miền Tây Nga), lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo chiến lược RS-12M Topol đến mục tiêu giả định ở trường bắn Kura (bán đảo Kamchatka, cực Đông Nga). Tên lửa Topol-M được phóng sang Kamchatka đã trực chiến 24 năm, giống 100 quả trước đó, nhiều hơn thời hạn khai thác đảm bảo được xác định khi đưa vào trực chiến.
Và toàn bộ quá trình chuẩn bị phóng tên lửa không hề có trục trặc. Bản thân cuộc phóng và việc bắn trúng đích đã khẳng định các phẩm chất chiến đấu cao của tên lửa và khả năng tăng hạn khai thác sử dụng an toàn thêm vài năm nữa.

Bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol.

Bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol.

Vài phút sau khi phóng Topol-M, trên vùng biển Okhotsk, tàu ngầm hạt nhân chiến lược K-433 St.George Victorious (Project 66BBDR) đã phóng tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng Sineva tấn công mục tiêu ở trường bắn Khizha trên bán đảo Kanin Nos tỉnh Arkhangelsk. Đây là lần phóng tên lửa từ dưới mặt nước đầu tiên trong năm 2012. 
Năm 2011, Hải quân Nga đã thực hiện 7 lần phóng như vậy, gồm cuộc thử 5 tên lửa R-30 Bulava. Còn RVSN đã phóng thử tên lửa đạn đạo 3 lần, một trong những lần phóng thử đã kết thúc không thành công. Khi đó giới quân nhân đã không cho biết họ phóng thử tên lửa gì. Cho đến nay các chuyên gia trong nước vẫn tiếp tục tranh cãi về lần phóng này.
Trên không, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS cất cánh từ sân bay Engels gần thành phố Saratov đã tiến hành chuyến bay xa đến Vorkuta vùng cực Bắc và sau 15 giờ bay trên vùng địa hình không có vật chuẩn đã phóng bốn tên lửa vào các mục tiêu đã định trên trường bắn Pemba.
Tin không nói rõ các máy bay tầm xa đã phóng tên lửa gì, song được biết là chúng được trang bị những tên lửa giống như loại Kh-55 hay Kh-555.

Điểm đặc biệt cuộc phóng 19/10

Vì sao thư ký báo chí của nguyên thủ quốc gia gọi các cuộc diễn tập này là có một không hai? Về nguyên tắc, các chuyên gia Nga trước đây cũng đã từng phóng số lượng lớn tên lửa chiến lược.
Ví dụ, tháng 11/2010, cũng theo những quỹ đạo như trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua, đã có bốn tên lửa liên lục địa cùng được phóng đi. Hai quả từ tàu ngầm tuần dương và hai quả từ các trường bắn trên đất liền.
Thêm vào đó, lần phóng nào cũng do Tổng tư lệnh tối cao và Tổng thống đất nước chỉ huy. Nếu ông không ra lệnh tương ứng trên chiếc “vali đen” của mình, không mở khóa chuỗi lệnh chỉ huy phóng thì không thể tiến hành phóng tên lửa được. Đặc điểm của các cuộc phóng hôm 19/10 ở chỗ Vladimir Putin đã chỉ huy cuộc diễn tập của các Lực lượng Hạt nhân Chiến lược từ sở chỉ huy hợp nhất tự động hóa mới.
Tin về việc thành lập OTsKP (Trung tâm chỉ huy hợp nhất) như vậy đã lọt ra báo chí đúng trước khi diễn tập của RVSN, Hải quân và Không quân.
Thật ra, khi đó tin đưa để chỉ huy Quân đội và hạm đội Hải quân nhanh nhạy, trên cơ sở sở chỉ huy trung tâm của Bộ Tổng tham mưu đã thành lập sở chỉ huy trung tâm (hợp nhất) của các Lực lượng vũ trang, gồm TsKP (sở chỉ huy trung tâm) của Hải quân, TsKP Không quân và TsKP lực lượng phòng thủ không gian vũ trụ, các sở chỉ huy này đã được đưa ra khỏi sự trực thuộc vào các bộ tư lệnh của mình. TsKP duy nhất độc lập còn lại là của RVSN.
Nhưng thực tế, không cần "nhờ thầy bói" cũng đoán ra chính TsKP RVSN liên hệ rất chặt chẽ với OTsKP (Trung tâm chỉ huy hợp nhất) của Bộ Tổng tham mưu, và sở chỉ huy này, đến lượt nó, liên hệ rất chặt chẽ với hệ thống chỉ huy chiến lược của Tổng thống.

"Răn đe nước Mỹ"

Vẫn còn một số vấn đề liên quan trực tiếp đến các cuộc phóng tên lửa chiến lược vừa qua. Một trong số đó là tin về việc Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn thiết kế sơ bộ và tính năng chiến kỹ thuật của tên lửa liên lục địa nhiên liệu lỏng hạng nặng mới, loại tên lửa mà Nga sẽ thay thế tên lửa R– 36M Voevoda (SS-18 Satan) lớn nhất thế giới.
Đến nay, Nga còn khoảng 50 tên lửa Voevoda. Dự kiến, giai đoạn 2020-2025 chúng sẽ bị loại khỏi trực chiến, và các nhà thiết kế Nga đang nghiên cứu chế tạo “hậu duệ” cho nó. Tên lửa mới sẽ nhẹ hơn hai lần (chỉ có 100 tấn), nhưng về hiệu quả chiến đấu, mà chủ yếu về khả năng vượt qua bất cứ hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào sẽ không chịu thua Voevoda.
Việc khôi phục hệ thống phóng tên lửa đạn đạo trên tàu hỏa có vẻ bất khả thi?

Việc khôi phục hệ thống phóng tên lửa đạn đạo trên tàu hỏa có vẻ bất khả thi?

Ngoài ra, đã xuất hiện những câu chuyện về việc Nga có thể khôi phục các tổ hợp tên lửa chiến đấu chạy trên đường sắt, những đoàn tàu của 12 trung đoàn đường sắt đã từng ngang dọc trong không gian Liên Xô, được trang bị các tên lửa nặng 36 tấn RT-23 Molodets cho những đoàn tàu này từng được chế tạo ở Ukraine.
Bây giờ, nước này chắc sẽ không giúp cho Nga việc này nữa, bởi họ đã cam kết không sản xuất tên lửa chiến lược. Nhưng vẫn là câu hỏi lớn chúng ta cần những tên lửa như vậy để làm gì? 

Dễ hiểu là triển vọng thấy ngay “bên sườn”, trên biên giới Nga, hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ, đương nhiên, làm ban lãnh đạo chính trị và quân sự của nước Nga lo lắng. Và các cuộc phóng tên lửa chiến lược có một không hai, việc đưa các tên lửa được thừa nhận trong START 3 vào trực chiến và câu chuyện về chế tạo tên lửa mới - đó là một cách cảnh báo của Nga cho các đối tác bên kia đại dương đúng vào dịp trước kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ. Họ sẽ đáp trả nước Nga ra sao đây, hãy cùng chờ xem?