Nga nỗ lực đối phó với thực trạng thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thanh niên bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Thị trường lao động Nga năm 2020 mất 1 triệu lao động trẻ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung đã phá vỡ kỷ lục của nhiều năm. Nhà chức trách Nga dự định đưa tỷ lệ này về mức cũ vào đầu năm 2022.
Lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh đóng cửa tại Nga

Lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh đóng cửa tại Nga

Chỉ đủ tiền tiêu trong 1 tuần sau khi bị sa thải

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào thị trường lao động toàn cầu. 114 triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp chỉ trong năm 2020. Còn tỷ lệ thất nghiệp trung bình năm 2020 trên toàn thế giới ở những người từ 15 đến 24 tuổi là 8,7%, ở những người lớn tuổi hơn là 3,7%.

Theo Công ty Bảo hiểm Euler Hermes, châu Âu trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp tăng vọt. Mức tăng được dự đoán là 38% so với mức trước đại dịch (từ 4,8 triệu người trong quý I-2020 lên 6,6 triệu người vào quý III-2021). Còn tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống 6% vào tháng 4-2021, tương đương 9,7 triệu người.

Trong khi đó, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở Nga đã được ghi nhận vào tháng 8-2020 là 6,4% dân số tham gia hoạt động kinh tế, tương đương 4,8 triệu người. Số người thất nghiệp từ đầu năm đến nay đã giảm nhiều lần. Theo Cơ quan Thống kê Nga (Rosstat), tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm xuống 5,4%, tương đương 4,1 triệu người.

Trên thực tế, do cơ quan thống kê chỉ tính số người tham gia sàn giao dịch việc làm, tỷ lệ thất nghiệp có thể cao hơn gấp nhiều lần. Theo khảo sát của HeadHunter, một dịch vụ tuyển dụng nhân sự, 1/4 số người Nga sau khi bị sa thải sẽ chỉ đủ tiền tiêu trong 1 tuần. 1/5 người tham gia khảo sát cho biết họ có đủ khả năng tìm việc trong 2 tuần trước khi bắt đầu gặp khó khăn về tài chính.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Nga tăng rất mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Một nghiên cứu của mạng lưới kiểm toán và tư vấn quốc tế FinExpertiza cho thấy, trong năm qua, thị trường lao động đã mất 1,65 triệu người, trong đó một triệu người là lao động dưới 30 tuổi. Số lượng lao động trẻ tại tỉnh Amur giảm mạnh nhất (22% trong một năm, tương đương 19.000 người).

Theo Chủ tịch của FinExpertiza - bà Elena Trubnikova, trong thời gian cách ly phòng dịch Covid-19, tỷ lệ việc làm của những người lao động dưới 30 tuổi giảm đáng kể so với những nhóm tuổi khác vì thường làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng nặng nề do lệnh đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng giảm.

Gần 25 tỷ Rúp sẽ được chi cho việc đào tạo lại hoặc học thêm

Theo các nhà chức trách Nga, mục tiêu chủ yếu của chính sách kinh tế trong năm 2021 là khôi phục thị trường lao động. Chính phủ Nga đã giúp đỡ những người thất nghiệp khoản tiền trợ cấp tối đa là 12.130 Rúp. Cuối tháng 3-2021, Bộ trưởng Bộ Lao động Nga Anton Kotyakov nói rằng, nhờ những biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và người thất nghiệp, nước này tránh sự gia tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị đưa các chỉ số việc làm trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2021.

Những thay đổi trên thị trường lao động đã làm nảy sinh các xu hướng mới. Nhiều người bắt đầu chuyển sang những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao hơn như công nghệ thông tin, người máy, trí tuệ nhân tạo. Các nhà chức trách Nga đặt hy vọng vào việc đào tạo lại và đã chi 3 tỷ Rúp cho mục đích này. Ngoài ra, trong 3 năm tới, gần 25 tỷ Rúp sẽ được chi cho việc đào tạo lại hoặc học thêm của những người trên 50 tuổi và phụ nữ có con nhỏ…

Để hỗ trợ thị trường lao động, Chính phủ Nga sẵn sàng dành 12 tỷ Rúp để trợ cấp các công ty tuyển dụng những người bị mất việc làm trong thời kỳ dịch Covid-19 và hy vọng 200.000 người sẽ được tuyển dụng. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường lao động Nga còn gặp trở ngại vì nguy cơ xuất hiện đợt dịch Covid-19 thứ 3 và các đợt tiếp theo vẫn hiện hữu.