Nga nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria không thể giải phóng Idlib

ANTD.VN - Syria sẽ không mở chiến dịch giải phóng tỉnh Idlib, sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, phân chia giới tuyến ở tỉnh này.

Nga tuyên bố Syria sẽ không mở chiến dịch giải phóng Idlib

Nga nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria không thể giải phóng Idlib ảnh 1

Tỉnh Idlib của Syria có biên giới giáp với tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ

Cuối ngày 17/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, ông và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bàn bạc rất nghiêm túc về vấn đề Syria, đặc biệt là về tình hình chiến sự ở tỉnh tây bắc Syria là Idlib, trong cuộc hội đàm ngày 17/9 tại Sochi-Nga.

Theo giới truyền thông, sau nhiều giờ thương thảo, hai bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề này.

Tổng thống Nga tuyên bố rằng, sẽ không có chiến dịch quân sự mới tại Idlib. Theo thỏa thuận đạt được, các nhóm chiến binh cực đoan, trong đó có cả tổ chức khủng bố Hay’at Tahrir al-Sham (chi nhánh al-Qaeda Syria) sẽ phải hạ súng và rút lui [không nói rõ là rút lui đến đâu].

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, hai bên đã đạt được thỏa thuận là đến ngày 15 tháng 10, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thành lập khu phi quân sự vào sâu 15-20 km, dọc theo đường tiếp xúc giữa các lực lượng trung thành với chính phủ Syria và phe đối lập vũ trang.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trực tiếp đưa quân vào bảo đảm an ninh trong vùng đệm chống xung đột này, để ngăn cách giữa lực lượng chính phủ và các nhóm khủng bố, phiến quân Idlib.

Tuy nhiên, cả Tổng thống Nga Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đều không đưa ra các vấn đề chi tiết trong kế hoạch này, bởi hai bên vẫn đang tiếp tục thương thảo các vấn đề được nêu ra trong kế hoạch, chưa đạt đến kết quả cuối cùng. Sau khi hai bên đạt được sự đồng thuận về tất cả các vấn đề, lúc đó sẽ công bố tài liệu chi tiết.

Như vậy là với tuyên bố mới nhất này của Nga, sẽ không có chiến dịch tấn công Idlib để giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực tây bắc, mà Syria chờ đợi đã lâu và hiện vẫn đang tích cực chuẩn bị.

Theo giới phân tích, việc chiến dịch này không thể diễn ra như mong đợi không xuất phát từ bản thân quân chính phủ Syria, mà là do sự quyết định của các thế lực nước ngoài, đặc biệt là do sự phản đối quyết liệt về cả chính trị lẫn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và sự nhượng bộ của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ mượn chiêu bài nhân đạo để can thiệp vào Idlib

Nga nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria không thể giải phóng Idlib ảnh 2

Thổ Nhĩ Kỳ đã tung hơn 30.000 quân và hàng trăm xe tăng sang Idlib

Sáng ngày 17/9, trong bài phát biểu ngay sau khi trở về từ Azerbaijan, ông Erdogan tuyên bố rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân tới tỉnh Idlib của Syria không nhằm mục đích xâm lược đất nước này mà là “thể theo nguyện vọng của chính người dân Syria”.

"…không ai ở Idlib vẫy cờ Nga, Mỹ, Đức hay Pháp. Mọi người ở đó vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ. Họ không phải là công dân Thổ Nhĩ Kỳ mà họ là người Syria. Chúng tôi sẽ không để những người đó phải thất vọng" - nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Ông Erdogan nhấn mạnh về “các cuộc biểu tình của thường dân Idlib trong mấy ngày qua” đã cho thấy “ước muốn hòa bình, chống chiến tranh” của người dân nơi đây. Tuy nhiên, giới truyền thông đã bóc mẽ rằng, đám biểu tình lèo tèo đó chủ yếu là các tay súng phiến quân giả dạng.

Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nước này vẫn sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện quân sự tại tỉnh Idlib của Syria. "Chúng tôi không cho phép tồn tại bất cứ điểm yếu nào ở Idlib. Nếu chúng tôi không tăng cường các trạm quan sát, người khác sẽ chủ động và điều này sẽ dẫn tới những tổn hại cho người dân" - tờ Haberturk dẫn lời ông Erdogan. 

Trong mấy ngày qua, quân đội nước này đã gửi thêm quân tiếp viện và hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp tới 12 trạm quan sát dọc khu vực phe nổi dậy nắm giữ ở tỉnh Idlib, phía tây thành phố Aleppo và phía bắc tỉnh Hama. Những tiền đồn này được thành lập sau thỏa thuận giảm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran từ tháng 7/2017.

Ngay sau khi đưa ra tuyên bố trên, ông Erdogan đã lập tức bay sang Sochi để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladirmir Putin.

Trước cuộc họp với người đồng cấp Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lấp lửng nói rằng, các tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp với ông Putin về Idlib sẽ là những vấn đề rất quan trọng mà hai bên đạt được sau cuộc hội đàm, mở ra hy vọng hòa bình cho khu vực.

Theo giới quan sát, những động thái của Ankara mới chính là trở ngại lớn nhất đối với chiến dịch giải phóng Idlib của chính quyền Damascus, bởi Moscow không muốn đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, nếu nước này cương quyết ngăn chặn quân đội Syria nổ súng.

Do đó, ông Putin tạm thời sẽ phải chấp thuận một giải pháp chính trị rồi sau đó tiếp tục vạch kế hoạch khác. Điều đó đã dẫn đến việc Nga phải thỏa hiệp với bản kế hoạch do Thổ Nhĩ Kỳ vừa đề xuất.

Kế hoạch cứu phiến quân ở Idlib của Thổ Nhĩ Kỳ

Nga nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ, Syria không thể giải phóng Idlib ảnh 3

Đoàn xe của Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới Syria hồi năm 2017

Bên cạnh những động thái quyết liệt về quân sự, ông Erdogan hôm 09/9 đã công bố “một kế hoạch hòa bình” mà ông dự kiến sẽ đưa ra bàn bạc cuộc họp với đối tác Nga, về tương lai của cuộc chiến ở Syria và cuộc tấn công quân sự của chính quyền Damascus để giải phóng tỉnh Idlib.

Tờ Daily Sabah dẫn nguồn tin thân cận với cuộc hội đàm tiết lộ, theo đề xuất của Ankara, 12 nhóm vũ trang ở Idlib, bao gồm cả chi nhánh al-Qaeda Syria là Hay’at Tahrir al-Sham - lực lượng quân sự đang thống trị tỉnh Idlib, sẽ đầu hàng Quân đội Ả rập Syria (SAA).

Các chiến binh sau đó sẽ được sơ tán đến vùng đệm dưới sự giám sát của cái gọi là “phe đối lập ôn hòa”, với điều kiện họ giao vũ khí cho một liên minh các nhóm dân quân được ủng hộ bởi chính quyền Ankara, tờ báo viết mà không tiết lộ nguồn tin của mình.

Sau đó, các tay súng thánh chiến nước ngoài sẽ được phép trở về quê hương của họ, các tay súng trong nước di chuyển đến vùng đệm, còn các nhóm từ chối giải giáp và di chuyển ra ngoài sẽ trở thành mục tiêu của các hoạt động chống khủng bố của chính phủ Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ sau đó sẽ đào tạo và tài trợ cho một lực lượng dân quân để đảm bảo an ninh trong tỉnh, giống như trong các khu vực Syria khác được kiểm soát bởi các nhóm phiến quân do Ankara hậu thuẫn.

Mặc dù chưa có tuyên bố cuối cùng, nhưng với phát biểu mới nhất của Tổng thống Nga Putin, có vẻ như Moscow đã đồng ý với những nét chính trong đề xuất của Ankara.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, sẽ rất khó để Moscow và Damascus chấp thuận toàn bộ kế hoạch của chính quyền Ankara, bởi nếu như vậy, Idlib sẽ nghiễm nhiên lọt vào tay Thổ Nhĩ Kỳ, giống như tiền lệ đã xảy ra ở tỉnh Aleppo.

Trong 2 chiến dịch quân sự “Lá chắn Euphrates” (Operation Euphrates Shield) và “Cành Ô liu” (Operation Olive Branch), Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho nhóm phiến quân đối lập Quân đội Syria Tự do (Free Syria Army - FSA), mượn chiêu bài chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và người Kurd để đánh chiếm một vùng rộng lớn ở tỉnh Aleppo từ Azaz đến al-Bab.

Sau đó, Ankara tuyên bố “không xâm lược Syria, không có ý định chiếm đất của Syria”, nhưng nước này sẽ chỉ trả lại vùng đất trên cho “nhân dân Syria” chứ không phải là cho chính quyền Assad hiện nay. Sau đó, Ankara đã giúp đỡ phiến quân FSA lập cơ cấu quản lý cấp địa phương và một lực lượng gọi là “Cảnh sát Syria Tự do” (Free Syria Police - FSP) để giữ gìn an ninh ở khu vực này.

Nga nhượng bộ yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ đến mức độ nào?

Giới phân tích cho rằng, với khái niệm lập lờ về cái gọi là “nhân dân Syria”, Ankara thực chất đã bảo kê đã hợp pháp hóa lực lượng đối lập vũ trang Syria thành người quản lý các vùng lãnh thổ phía Bắc, độc lập với chính quyền trung ương ở Damascus, xây dựng “một tiểu quốc gia trong quốc gia”.

Về bản chất, đây chính là một hình thức “xâm lược ủy nhiệm” của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria. Và nước này rõ ràng là đang có ý định lặp lại một sự kiện “Aleppo thứ hai” ở tỉnh Idlib, thuộc vùng tây bắc của Syria.

Để tránh hậu quả xấu tương tự ở Aleppo, Nga-Syria sẽ phải tiếp tục tập trung bàn bạc và làm rõ với Thổ Nhĩ Kỳ những điểm chính sau đây:

Thứ nhất là: Đường tiếp xúc giữa các lực lượng Syria và phe đối lập vũ trang sẽ được thiết lập ở đâu.

Thứ hai là: Các nhóm chiến binh cực đoan, trong đó có cả tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra sẽ rút lui về đâu.

Thứ ba là: Lực lượng nào sẽ đảm bảo giữ gìn an ninh trong khu vực phiến quân kiểm soát.

Đây là những vấn đề mấu chốt trong cuộc bàn thảo giữa Nga - Syria và Thổ Nhĩ Kỳ và chắc chắn là hai bên sẽ muốn giành lợi thế nhiều nhất cho mình.

Nga và Syria sẽ phải rất thận trọng để tránh khả năng trao Idlib vào tay các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ, tạo điều kiện để Erdogan tiếp tục cuộc “chiến tranh xâm lược ủy nhiệm” ở Syria, tự mang tới một “món nợ khó đòi” cho đất nước.

Việc các bên sẽ nhượng bộ đến mức độ nào và kết quả cuối cùng ra sao có thể sẽ được công bố trong ngày 18/9.