"Ngã ngửa" với quyết định của nước Nga

ANTĐ - Hệt như khi quyết định không kích tại Syria, tuyên bố rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này của nước Nga đã khiến Mỹ và phương Tây “ngã ngửa” vì quá bất ngờ.

"Ngã ngửa" với quyết định của nước Nga ảnh 1Lực lượng quân đội Nga bắt đầu rút quân khỏi Syria từ ngày 15-3

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị quân đội nước này bắt đầu rút những đơn vị chủ lực thuộc các lực lượng Nga ở Syria từ ngày 15-3 sau khi khẳng định đã đạt được hầu hết các mục tiêu của chiến dịch can thiệp quân sự tại quốc gia Trung Đông này. Quyết định đầy bất ngờ được Tổng thống Putin, đồng thời là Tổng tư lệnh quân đội Nga, đưa ra trong cuộc họp ngày 14-3 với hai Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov tại Điện Kremlin.

Có thể nói, quyết định của Tổng thống Putin đã làm cả thế giới, đặc biệt là Mỹ cùng các đồng minh đang tham chiến tại Syria, đều phải “ngã ngửa” vì quá bất ngờ. Tổng thống Barack Obama cũng chỉ biết được “quyết định động trời” này của Nga khi được đích thân ông Putin thông báo trong cuộc điện đàm cùng ngày 14-3 về vấn đề Syria.

Chính vì thế, Nhà Trắng đã tỏ ra thận trọng trước quyết định rút quân bất ngờ của Nga khi Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Washington sẽ phải xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các ý định của Nga. Dù Chủ tịch luân phiên tháng 3 của Hội đồng Bảo an LHQ Ismael  Gaspar Martins hoan nghênh kế hoạch rút phần lớn lực lượng Nga khỏi Syria, song dư luận phương Tây vẫn có những đánh giá khác nhau, trong đó có những nhận định cho rằng “Nga buộc phải rút quân” do khủng hoảng kinh tế hay “Matxcơva mất nhiều hơn được tại Syria”…

Thế nhưng, nhìn vào thực tế tình hình hiện nay ở Syria mới thấy rõ Nga “được hay mất”.

Trước hết, trước khi Nga tiến hành không kích, chính quyền Tổng thống Bashar Assad như “chỉ mành treo chuông” hay như chính ông Obama đánh giá là “chỉ còn tính từng ngày”… Tuy nhiên, cùng với sự can thiệp mạnh mẽ của Nga từ ngày 30-9-2015 với khoảng 9.000 cuộc không kích, quân Chính phủ Syria đã “giải phóng” được 400 khu vực đông dân và trên 10.000 km2 lãnh thổ, trong đó có thành phố Latakia, Aleppo cùng phần lớn 2 tỉnh Hama và Homs; ông Assad có thế khác hẳn trong đàm phán…

Cuộc can thiệp vào Syria là sự phô diễn và quảng cáo đầy ấn tượng về vũ khí cùng những trang thiết bị hiện đại của Nga. Chi phí cho cuộc chiến khoảng 4 triệu USD/ngày tại Syria có thể lấy lại, thậm chí còn “lãi lớn”, bằng những hợp đồng bán vũ khí trong tương lai.

Quan trọng hơn còn là vị thế và tiếng nói của nước Nga, của ông Putin trong các vấn đề ở Trung Đông nói riêng, trên toàn cầu nói chung đã hoàn toàn khác hẳn sau những hành động quyết đoán tạo bước ngoặt then chốt tại “điểm nóng” Syria. Đây là thứ mà nếu mua được bằng tiền thì vài trăm triệu USD bỏ ra tại Syria còn là cái giá quá hời.

Nhìn ở góc độ khác, quyết định rút quân của Nga còn là một sức ép không nhỏ với chính quyền Assad, buộc nhà lãnh đạo này phải có những nhượng bộ nhằm tạo thuận lợi hơn cho tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị, mở ra con đường giải quyết hòa bình cuộc chiến ở Syria. Trong cuộc gặp với hai Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao để đưa ra quyết định rút quân, Tổng thống Putin đã chỉ đạo Ngoại trưởng Lavrov tăng cường sự can dự của Nga trong việc tổ chức tiến trình hòa bình tại Syria.

Thế nên, sẽ còn nhiều điều khiến người ta phải “ngã ngửa” từ quyết định rút quân bất ngờ của ông Putin.