Nga, Mỹ tổ chức các cuộc tham vấn về Hiệp ước INF tại Geneva

ANTD.VN -Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Ryabkov ngày 14-1 cho biết, Moscow và Washington sẽ tổ chức các cuộc tham vấn về Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung ( INF) tại Geneva vào ngày hôm nay (15-1).

Nga, Mỹ tổ chức các cuộc tham vấn về Hiệp ước INF tại Geneva ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov

"Các cuộc tham vấn giữa các bộ phận về các vấn đề của Hiệp ước INF sẽ được tổ chức tại Geneva vào ngày 15 - 1. Đây sẽ là vấn đề duy nhất trong chương trình nghị sự, bởi vì thực sự chủ đề này cần phải thảo luận cả ngày. Chúng tôi vui mừng thông báo rằng, cuối cùng phía Mỹ đã đồng ý tổ chức các cuộc tham vấn này sau nhiều lời mời của chúng tôi", TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov nói.

“Phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea L. Thompson dẫn đầu. Đây sẽ là cuộc họp cá nhân đầu tiên của chúng tôi”, ông Ryabkov xác nhận.

“Nga có đủ ý chí tốt, sẵn sàng cho công việc nghiêm túc và sẽ xem điều gì xảy ra sau buổi nghị sự", nhà ngoại giao Nga nói tiếp.

"Mỹ thậm chí đã đưa ra lập trường của họ đối với Hiệp ước INF khó khăn hơn. Chúng tôi thấy đó là một tín hiệu không mấy thuận lợi", ông Ryabkov lưu ý.

Được ký năm 1987, Hiệp ước INF cấm hai nước ký kết là Mỹ và Nga phát triển các loại tên lửa mang đầu hạt nhân tầm trung, có tầm xa 500-5.500km; yêu cầu mỗi nước phải hủy bỏ hơn 2.500 tên lửa tầm xa từ 310 - 3.420 dặm. Hiệp ước giúp châu Âu thoát khỏi nỗi lo tên lửa hành trình hạt nhân trong suốt 3 thập kỷ qua.

Vào tháng 11-2018, Nga lần đầu tiên công khai thừa nhận họ có loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, nhưng nói rằng, hệ thống vũ khí này không vi phạm Hiệp ước INF.

Vào đầu tháng 12-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga “lừa dối trong việc tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí” theo các điều khoản của Hiệp ước INF, và đã ra tối hậu thư trong 60 ngày để Nga ngưng triển khai hệ thống tên lửa Novator 9M729, nếu không muốn INF bị hủy bỏ.

Nếu Nga không đáp ứng đòi hỏi của Mỹ, Washington dọa sẽ kích hoạt giai đoạn thông báo 6 tháng rồi rút khỏi Hiệp ước có từ năm 1987, tức là sẽ không tuân thủ thỏa thuận kiểm soát vũ khí từ sau Chiến tranh Lạnh nữa.

Nga cáo buộc Mỹ kiếm cớ để rút khỏi Hiệp ước và thu thập thông tin sâu hơn về tên lửa của họ. Kremlin nói rằng, tầm vươn của hệ thống tên lửa mới không vượt quá 500km. Còn Mỹ nói rằng, tên lửa mới có thể vươn xa 5.500km.

Đáp lại tối hậu thư của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, cả chục nước đang sản xuất các loại tên lửa tầm trung mà INF cấm.

“Rõ ràng là bây giờ Mỹ tin rằng, tình hình đã thay đổi nhiều và họ muốn có những vũ khí như vậy. Chúng tôi phản đối việc phá hủy Hiệp ước. Nhưng nếu điều này xảy ra, chúng tôi sẽ phản ứng phù hợp”, ông Putin nói.