Nga- Mỹ muốn hợp tác ở Syria, nhưng lại nghi ngờ nhau

ANTĐ -Sputnik ngày mùng 2-7 dẫn lời cựu đại sứ Mỹ tại Syria Richard Murphy cho biết, các nhà hoạch định chính sách ở Moscow và Washington đang tìm cách đưa sự hợp tác giữa hai nước lên một cấp độ hoàn toàn mới trong việc chống khủng bố tại Syria, nhưng những thách thức, đặc biệt là số phận của Tổng thống Bashar al-Assad, làm phức tạp những nỗ lực này.

Nga- Mỹ muốn hợp tác ở Syria, nhưng lại nghi ngờ nhau  ảnh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Barack Obama

Hôm 30-6, truyền thông Nga và Mỹ cùng đăng tải thông tin cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị Nga ký kết một thỏa thuận mới về hợp tác quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria. Liên quan đến các thông tin này, ông Murphy cho hay: "Vụ này cho thấy một nỗ lực nghiêm túc của Moscow và Washington để tìm ra những điểm chung trong việc tiêu diệt bọn khủng bố".

Theo thỏa thuận, Nga và Mỹ sẽ tăng cường quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố đang có nguy cơ bế tắc tại Syria. Theo đó, Mỹ muốn chia sẻ với Nga về mục tiêu và tọa độ trong chiến dịch ném bom mở rộng nhằm vào nhóm khủng bố Al-Nusra Front. Đổi lại sự hợp tác mà Mỹ đề nghị, Nga cần phải thuyết phục chính quyền của ông Bashar al-Asad ngừng ném bom vào các vị trí của lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn.

Cả hai nước coi al-Nusra Front, một nhánh của al-Qaeda tại Syria là một tổ chức khủng bố. Nhưng họ lại có quan điểm khác nhau về một số nhóm phiến quân khác phối hợp cùng họ tấn công chống lại al-Nusra Front. Washington xem một số nhóm phiến quân là lực lượng "ôn hòa", và không muốn máy bay Nga tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng này. Về phần mình, Moscow đã nhiều lần yêu cầu Mỹ thuyết phục các nhóm này rời khỏi vùng lãnh thổ nơi al-Nusra Front đang hoạt động.

"Thỏa thuận này, nếu đúng, sẽ mang lại sự hợp tác quân sự giữa hai nước lên ‘một mức độ chưa từng thấy’.Tuy nhiên, khó có thể nói, thỏa thuận sẽ giúp Nga Mỹ xích lại gần nhau hơn", vị cựu đại sứ Mỹ nhận định.

Điện Kremlin tự kiềm chế không bình luận về vấn đề này, nhưng nhà lãnh đạo Nga từ lâu đã kêu gọi Washington cùng hợp lực chống IS. Về phần mình, Nhà Trắng đã miễn cưỡng chấp nhận lời đề nghị của Moscow.

Hôm 30-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định rằng, Syria là chiến trường quan trọng để giải quyết khủng bố quốc tế. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng không quên ca ngợi các quân nhân và các nhà ngoại giao Nga đã làm hết sức mình để giải quyết các nhóm khủng bố, và mang lại hòa bình cho đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. "Đồng thời, nhờ có những hành động chung cùng với Hoa Kỳ và các đối tác khác, chúng tôi đã đưa ra một lệnh ngừng bắn ở nhiều vùng của Syria. Tuy nhiên, những thách thức toàn cầu chỉ có thể được giải quyết nếu các bên liên quan làm việc với nhau", ông Putin lưu ý.

"Cả hai bên đang mong chờ mở rộng nền tảng chung để làm việc cùng nhau, nhưng họ vẫn còn nghi ngờ nhau", ông Murphy nói.

Sự nghi ngờ còn là bởi sự khác biệt về quan điểm liên quan đến số phận của Bashar al-Assad.

"Nga xem ông Assad như là một nhà bảo vệ chống lại sự sụp đổ của các tổ chức ở Syria. Washington lại khác. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng, việc Assad tiếp tục tại vị, và sự cứng nhắc của ông này tại bàn đàm phán sẽ gây hại cho các tổ chức chính phủ Syria", ông Murphy giải thích.

 Cho đến thời điểm này, chính quyền của Tổng thống Obama vẫn kiên quyết lập trường cho rằng, tương lai chính trị của Syria cần phải loại bỏ chính phủ của Tổng thống al-Assad.

Chính phủ Syria và phe đối lập cần phải đưa ra một công thức mới, một mối quan hệ mới giữa chính phủ và người dân để chấm dứt tình trạng tồi tệ này, ông Murphy kết luận.