Nga-Mỹ khó đạt được hiệp ước cắt giảm vũ khí trong tương lai gần

ANTĐ -  Vào hôm 17-3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết vấn đề cắt giảm các loại vũ khí chiến lược giữa Nga và Mỹ sẽ rất khó đạt được trong tương lai gần.

“Một thoả thuận mới về việc cắt giảm vũ khí chiến lược giữa Nga và Mỹ sẽ khó xảy ra trong tương lai, ngay cả khi có khả năng”, ông Antonov cho hay.

Nga-Mỹ khó đạt được hiệp ước cắt giảm vũ khí trong tương lai gần ảnh 1Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars

Thứ trưởng Nga nói thêm rằng an ninh của Nga không chỉ phụ thuộc vào cân bằng sức mạnh hạt nhân mà còn nhiều yếu tố khác như việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vấn đề sử dụng các tên lửa hành trình phóng từ biển và nhiều hệ thống tầm xa có độ chính xác cao khác.

“Những điều quan trọng cần thảo luận cũng gồm có cân bằng sức mạnh của lực lượng vũ trang thông thường và việc đặt hàng loạt căn cứ quân sự mới gần lãnh thổ nước Nga”, ông Antonov nhấn mạnh và khẳng định rằng Nga và Mỹ nên bàn bạc về toàn bộ vấn đề phòng thủ trước khi nói đến việc cắt giảm vũ khí.

Moscow và Washington đã cùng thống nhất với nhau tổng cộng 3 hiệp ước về cắt giảm vũ khí kể từ năm 1991, với thoả thuận mới nhất được kí bởi lãnh đạo 2 nước vào năm 2010.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) giữa Nga và Mỹ sẽ có thời hạn đến 2021 và quy định rằng mỗi nước phải hạn chế số đầu đạn hạt nhân ở con số 1550, cũng như đồng thời phải giới hạn số tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và các máy bay oanh tạc hạng nặng.

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra khiến quan hệ Nga – Mỹ trở nên xấu nhất từ thời chiến tranh lạnh, cả 2 nước đều đã triển khai thêm số đầu đạn hạt nhân lên các loại vũ khí. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 10-2014, Nga đang có tổng cộng 1.634 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng phóng, nhiều hơn một đầu đạn so với Mỹ. Ngoài ra, cả 2 nước đều tuyên bố sẽ đầu tư hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân của mình trong tương lai.