Nga muốn cố vấn quân sự nước ngoài phải rời khỏi Ukraine

ANTĐ -  Một nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết Moscow sẽ tìm cách đề nghị các chuyên gia quân sự nước ngoài và những nhóm vũ trang phi pháp phải rời khỏi lãnh thổ Ukraine. 

“Chúng tôi biết rằng hàng trăm cố vấn quân sự của Mỹ và NATO đang có kế hoạch đến Ukraine để huấn luyện cho lực lượng vệ quốc của nước này. Các doanh trại huấn luyện sẽ không chỉ được mở ở miền tây Ukraine mà còn ở nhiều khu vực khác. Đây thực sự là một việc làm nguy hiểm và chúng tôi kêu gọi tất cả đơn vị quân đội và nhóm vũ trang phi pháp rời khỏi Ukraine”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Grigory Karasin nói trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Rossiiskaya Gazeta.

Nga không đồng tình việc Mỹ gửi cố vấn quân sự đến Ukraine

Vào giữa tháng 3, người đại diện Lầu Năm Góc Đại tá Steve Warren đã nói với giới truyền thông rằng khoảng 290 binh lính Mỹ từ lữ đoàn không quân 173 sẽ đến với miền tây Ukraine vào giữa tháng 4 để huấn luyện 3 tiểu đoàn của lực lượng vệ quốc Ukraine. Địa điểm tập trận có thể là trung tâm huấn luyện Yavoriv gần thành phố Lvov.

Vào hôm 8-4, Thủ tướng Ukraine đã hứa rằng chính quyền Kiev sẽ kí một vài thoả thuận với NATO về vấn đề hợp tác kĩ thuật – quân sự bao gồm bản ghi nhớ về công tác trao đổi thông tin tình báo, điều sẽ dọn đường cho Ukraine tham gia vào chương trình “Đối tác cho hoà bình" của NATO.

Nga đã nhiều lần lên án NATO tăng cường các hoạt động quân sự tại Đông Âu và kế hoạch viện trợ vũ khí sát thương của Mỹ cho Ukraine. Những lời chỉ trích này đến sau khi Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Obama hỗ trợ cả vũ khí sát thương cho Kiev, bất chấp lệnh ngừng bắn đang được thực thi tại miền đông Ukraine.

Một vài nghị sĩ Nga đã gọi quyết định cung cấp vũ khí này là một mối đe doạ tới tiến trình hoà bình và một sự khiêu khích trực tiếp nhằm vào Nga.

Người đứng đầu Uỷ ban về các chính sách đối ngoại, thuộc Hạ viện Nga, Aleksey Pushkov nhận định rằng nếu ông Obama chịu nghe theo những áp lực từ quốc hội thì ông sẽ mất đi danh tiếng là một “vị tổng thống của hoà bình” và khiến ông không khác gì các chính trị gia như George W. Bush, John McCain hay Mitt Romney.