Ngả mũ trước những phát minh "made in Việt Nam" cực độc đáo

ANTD.VN - Tiếp nối sự thành công từ chiếc xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời với kiểu dáng giống thương hiệu Volkswagen, em Ngô Việt Cường (học sinh lớp 12A11 trường THPT Tống Văn Trân, huyện Ý Yên, Nam Định) đã tiếp tục lắp ráp thành công chiếc xe kiểu dáng Volkswagen Roadtrip có thể chở được khoảng 12 người với vận tốc tối đa lên tới 60km/h. Điều đáng nói, khoảng thời gian gần đây, người Việt luôn đem lại niềm tự hào cho dân tộc khi liên tiếp cho ra đời những phát minh khoa học độc đáo, có tính ứng dụng cao.

“Tuổi trẻ tài cao”: Nam sinh lắp ráp thành công ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời

Ngày 28-8-2019, báo Dân Trí đưa tin, em Ngô Việt Cường ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, đã lắp ráp thành công và cho ra đời chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời có thể chở khoảng 12 người với vận tốc tối đa lên tới 60 km/h.

Cụ thể, sau khi gây xôn xao dư luận khi tự mình lắp ráp chiếc ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời với kiểu dáng giống thương hiệu Volkswagen của Đức và đoạt giải nhất cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ VI” năm 2018, Cường lại tiếp tục bắt tay vào chế tạo hình dáng chiếc ô tô điện sạc bằng pin năng lượng mặt trời.

Chiếc xe lần này được em thiết kế rộng hơn, chở được nhiều người hơn, tấm pin năng lượng to và sản sinh công suất 8 lần so với chiếc xe trước. Cùng với đó là  động cơ với lực kéo gấp đôi đã cho tốc độ cao lên tới 60 km/h. Hệ thống lưu trữ năng lượng được thiết kế lớn hơn để cho thời gian hoạt động lâu hơn. Lốp xe cũng được cải tiến là loại lốp không săm bản rộng giúp chiếc xe hoạt động êm ái, chịu tải tốt và giảm tiếng ồn.

Em Ngô Việt Cường và chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời tự chế đầy độc đáo (ảnh: Dân Trí)

Cường chia sẻ, để lắp ráp được chiếc xe này, Cường đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của bố và một người cộng sự, cùng với sự động viên của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, tạo ra một chiếc xe hoàn chỉnh là cả một quá trình khó khăn, vất vả. Cường đã phải thử nghiệm nhiều lần, trải qua nhiều thất bại để có được thành quả như ngày hôm nay.

Cha đẻ của tàu ngầm tự chế

Báo Vietnamnet đưa tin, ngày 10-9-2018, ông Nguyễn Quốc Hoà (Giám đốc công ty cơ khí Quốc Hoà, tỉnh Thái Bình) cho biết, ông đã cùng đội ngũ kỹ sư của mình thiết kế xong tàu ngầm mini mang tên Trường Sa 2.

Ông Hoà cho biết, theo thiết kế, Trường Sa 2 dài 9 m, nặng 22 tấn, chiều cao bên trong thân tàu là 1,8 m, chứa được tối đa 6 thuỷ thủ đoàn, bán kính hoạt động khoảng hơn 500 hải lý. Vận tốc của tàu là 35 km/h, lặn sâu 250 m và tầm hoạt động 3.000 km ở ngoài biển.

Theo như ông Hoà tâm sự, kinh phí để làm tàu ngầm mini Trường Sa 2 sẽ gấp đôi kinh phí tàu ngầm mini Trường Sa 01 và tàu ngầm Hoàng Sa cộng lại. Tốc độ hoàn thành tàu nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn của gia đình. Tính đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Hoà mới dành được tiền để làm vỏ con tàu, còn phần thiết bị bên trong vẫn chưa có tiền để lắp đặt.

Ông Hoà cùng các cộng sự của mình đang bắt tay chế tạo vỏ tàu ngầm Trường Sa 2 (ảnh: Vietnamnet)

Cũng theo chia sẻ của ông, chi phí đóng hai chiếc tàu ngầm mini đầu tiên là hơn chục tỷ đồng. Quá trình chế tạo hai chiếc tàu ngầm trên vô cùng khó khăn nhưng ông đã cùng các cộng sự của mình vượt qua. Với niềm đam mê tàu ngầm cháy bỏng, ông Hoà quyết tâm chế tạo bằng được “mẫu tàu tầm thế hệ thứ hai đúng nghĩa chứ không phải bản cải tiến”.

Sau 3 năm “thai nghén”, với sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học và các kỹ sư, ông Hoà đã khởi động đóng mới tàu ngầm Trường Sa 2 vào tháng 5-2018, hứa hẹn một con tàu ưu việt và mang tính ứng dụng cao hơn.

Nông dân chế tạo lò sấy lúa bằng điện

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sau gần hai năm mày mò và thử nghiệm, nông dân Hà Văn Hiền (53 tuổi, ngụ tại TP Long Xuyên, An Giang) đã chế tạo thành công lò sấy lúa nhiệt điện.

Cụ thể, lò sấy bao gồm hệ thống cung cấp nhiệt bằng điện, quạt hút luân chuyển nhiệt, băng tải hai chiều hút lúa từ ghe lên lò và chuyển lúa sau khi sấy từ lò xuống ghe. Lò sấy công suất 50 tấn/ ngày được lắp đặt với chi phí khoảng 450 triệu đồng.

Ông Hà Văn Hiền lắp đặt lò sấy bằng điện tại cơ sở sấy lúa Hưng Nông (ảnh: Tuổi Trẻ)

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hoàng - chủ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại An Giang, máy sấy do ông Hà Văn Hiền phát minh đã đem lại kết quả ngoài mong đợi, giá thành và thời gian làm khô lúa tương đương với lò sấy sử dụng trấu nhưng chất lượng gạo cao hơn do nhiệt độ ổn định. Với kết quả này, ông Hiền đã được Sở Khoa học – công nghệ tỉnh An Giang hướng dẫn thủ tục đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm lò sấy lúa bằng điện.

Bài toán về việc nhân rộng, phát huy các phát minh, sáng chế

Ba gương mặt trên chỉ là một trong rất nhiều nhà phát minh nghiệp dư từng được báo chí đưa tin. Không nghiên cứu bài bản, dài hạn như các nhà khoa học chuyên nghiệp mà tất cả các nhân tài không chuyên này đều chế tạo, cải tiến máy móc xuất phát từ nhu cầu của cá nhân gia đình mình, làm những gì mình cần và có thể ứng dụng thực tiễn ngay trong cuộc sống.

Tuy nhiên, mặc dù rất độc đáo và mang tính ứng dụng cao, nhưng đến nay nhiều sáng chế của các nhà khoa học nghiệp dư vẫn chưa thể phát triển rộng khắp thị trường, thậm chí nhiều công trình đã bị rơi vào quên lãng bởi thiếu vốn, thiếu đầu tư bài bản dẫn đến khó áp dụng vào thực tiễn.

Trước những sáng chế được đánh giá cao và thông minh này, nhiều người đã từng đặt câu hỏi: “Làm gì để những phát minh của công dân Việt không bị rơi vào vòng quên lãng?”

Để giải quyết thực trạng trên, chúng ta cần phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước, sự đồng hành của các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức xã hội để đưa các công trình nghiên cứu đi vào cuộc sống một cách thiết thực nhất. Ở một số nước trên thế giới, người ta đã lập ra những tổ chức hỗ trợ các “nhà khoa học nghiệp dư” mô tả phát minh, sánh chế của mình để đăng ký bảo hộ bản quyền cũng như tham gia hợp tác hoàn thiện sản phẩm trong các bước tiếp theo.

Chúng ta không nên chỉ đòi hỏi KH-CN trở thành động lực phát triển cho kinh tế - xã hội của đất nước, mà phải chủ động tạo ra môi trường xã hội thích hợp để KH-CN thật sự trở thành động lực phát triển. Đừng bỏ những “nhà khoa học” ở lại phía sau, hay để những công trình sáng chế mang hàm lượng trí tuệ cao bị chôn vùi bởi quá khứ!