Nga "mơ hồ và khó hiểu" trong chiến lược ở biển Đông

ANTĐ - Tiếp theo sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược về khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, Nga cũng bắt đầu hướng sự chú ý về khu vực này. Người Trung Quốc cho rằng, trong khi Mỹ bộc lộ ý định rõ ràng là bao vây Trung Quốc, thì chiến lược của Nga vẫn còn rất mơ hồ và khó hiểu.

Kết luận trên đã được sự đồng thuận của rất nhiều phương tiện truyền thông và các học giả quốc tế. Một chuyên gia quân sự phân tích: “Cuộc diễn tập quân sự chung "Liên hợp trên biển 2013" giữa Nga và Trung Quốc, diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, vừa giúp Nga thể hiện sức mạnh của hải quân nước mình, vừa nâng cao mức độ can dự của họ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Một loạt các động thái và hợp đồng vũ khí trong thời gian qua giữa Nga và một số nước đang có tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc như bán máy bay chiến đấu Su-30 cho Indonesia, bán tàu ngầm Kilo cho Việt Nam đã giúp Nga đạt được mục đích “nam hạ” của mình. Còn dường như đối với cục diện tranh chấp trên biển Đông, Nga chưa có động thái nào quan tâm đặc biệt đến Trung Quốc.

Trên trang mạng “Bình luận Á - Âu” của Tây Ban Nha, ngày 04/08 vừa qua có bài viết cho biết, tháng 4 năm nay, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Việt Nam, 2 bên đã đạt thành một hiệp nghị về vấn đề, Nga giúp đỡ Việt Nam trùng tu cảng Cam Ranh, nằm kề bên luồng đường vận tải chiến lược trên biển Đông.

Cảng nước sâu này của Việt Nam, xung quanh là các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Với vị trí chiến lược của nó, không khó hiểu khi Mỹ và Nga đều đã từng xây dựng căn cứ quân sự tại Cam Ranh. Hiện nay, tầm quan trọng của nó đối với chiến lược “nam hạ” của Nga là không thể bỏ qua.

Nga khẳng định không đứng về phía ai trong tranh chấp biển Đông

Bài viết cho biết, đạt thành hiệp định trên là cái kết có hậu cho quan hệ hợp tác quốc phòng Nga - Việt. Hiện 2 bên còn có hợp đồng mua sắm 6 tàu ngầm diezen - điện lớp Kilo, là một trong những hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất của cả Nga và Việt Nam với trị giá 3,2 tỷ USD. Có được 6 tàu ngầm Kilo, hải quân Việt Nam sẽ có khả năng tác chiến ngầm rất mạnh trên biển Đông.

Về vấn đề hợp tác quốc phòng Nga - Việt, bài viết phân tích, Việt Nam là bạn hàng mua sắm vũ khí quan trọng của Nga do đã có truyền thống hợp tác tin tưởng lẫn nhau từ thời Liên Xô. Hơn nữa, quân đội Việt Nam đã có kinh nghiệm sử dụng rất nhiều loại vũ khí hiện đại của nước này, đồng thời vũ khí Nga có độ tin cậy và độ bền cao, giá thành lại rất rẻ, chi phí bảo dưỡng thấp so với các nước phương Tây.

Bài viết chỉ ra, Nga rất thận trọng trong mối quan hệ với Trung Quốc vì Bắc Kinh là bạn hàng lớn thứ 2 của Moscow ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổng kim ngạch giao dịch thương mại năm 2011 lên tới con số kỷ lục 83,5 tỷ USD. Với đà phát triển quá nóng của nền kinh tế, đất nước đông dân nhất thế giới này đã trở thành thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất của Nga. Bên cạnh đó Nga cũng có rất nhiều công nghệ vũ khí mà Trung Quốc vô cùng thèm muốn.

Bởi những nguyên nhân đó, Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong quá trình chấn hưng nền kinh tế Nga với nguồn kinh phí đầu tư dường như là vô hạn và ngược lại, Nga cũng đóng vai trò cực kỳ to lớn trong sự phát triển kinh tế nói chung và khoa học kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc nói riêng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và thị sát tàu ngầm Kilo 636 mang tên “Hà Nội” của Hải quân Việt Nam trong chuyến thăm Nga tháng 5/2013 

Thế nhưng cùng với nó, Việt Nam cũng đang dần trở thành một đối tác kinh tế quan trọng của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2012, tổng kim ngạch đầu tư của Nga vào Việt Nam đã vượt qua con số 2 tỷ USD, xếp thứ 18 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy vậy, con số này được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng hợp tác to lớn giữa 2 nước.

Một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, bất luận là Nga cắt nghĩa thế nào cũng có thể khẳng định một điều là, Nga sẽ không ủng hộ Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Chính sách châu Á - Thái Bình Dương mới của Nga chỉ đơn thuần là xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế bền vững, tìm kiếm những bạn hàng mới trong số các cường quốc kinh tế nhằm duy trì và nâng cao vị thế của Nga trên trường quốc tế.