Nga lần đầu "cân bằng sức mạnh" với Mỹ kể từ khi Liên Xô sụp đổ

ANTD.VN - Đây là quan điểm đáng chú ý do Điều phối viên Đặc biệt của Đức về chính sách Nga – ông Gernot Erler – chia sẻ gần đây.

Theo đó, chuyên gia phân tích người Đức Gernot Erler đã cho rằng những chính sách đối ngoại của Moscow dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin đã biến nước Nga trở thành một thế lực thực sự của thế giới, để lần đầu tiên “cân bằng sức mạnh” với Mỹ, kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Từ vị thế như vậy, theo chuyên gia Erler, Moscow có thể tham gia vào quá trình tạo ra thế giới đa cực trong cuộc chơi của những nước lớn.

“Tổng thống Nga Putin đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chính sách đối ngoại của họ, để cân bằng sức mạnh với Mỹ. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã rất cố gắng làm điều đó nhưng bất thành, nên chỉ có Mỹ là nước lớn toàn cầu đúng nghĩa. Tới giờ, lần đầu tiên Nga đạt được vai trò như Mỹ, thể hiện đặc biệt rõ qua thành công ở Syria”, chuyên gia Erler bày tỏ quan điểm trên báo Mannheimer Morgen.

Nga lần đầu "cân bằng sức mạnh" với Mỹ kể từ khi Liên Xô sụp đổ ảnh 1

Tổng thống Nga Putin được đánh giá có vai trò quyết định trong việc đưa Nga "cân bằng sức mạnh" với Mỹ

Ngoài ra, điều phối viên đặc biệt nói trên cũng khẳng định Nga và Trung Quốc đã sẵn sàng để thiết lập trật tự thế giới đa cực, và 2 quốc gia này vẫn luôn tìm cách đạt được sự bình đẳng trong mối quan hệ với Mỹ.

“Họ (Nga và Trung Quốc) không muốn nhận thêm những lời chỉ dẫn từ Mỹ. Họ muốn một mối quan hệ bình đẳng”, ông Erler khẳng định.

Những nhận định nói trên dựa vào việc Nga đã theo đuổi chính sách đối ngoại rất tích cực trong những năm gần đây, khi Moscow can dự vào hầu hết những cuộc xung đột căng thẳng nhất trong những năm gần đây, như các cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh, Ukraine và Syria. Nga cũng là nước tham gia giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Vào tháng 2-2007, khi phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich thường niên, Tổng thống Nga Putin đã công khai chỉ trích vị thế thống trị độc quyền của Mỹ trong các mối quan hệ toàn cầu. Ông chủ Điện Kremlin đã lên tiếng kêu gọi hình thành “một trật tự thế giới dân chủ và công bằng để đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho tất cả, thay vì cho một số nước nhất định”.

Với tầm nhìn đó, Moscow đã có cách tiếp cận đa cực bằng việc tăng cường hợp tác với các quốc gia ở Mỹ Latinh và châu Á, cũng như kết nối với các diễn đàn và tổ chức khu vực khác nhau, trong đó bao gồm nhiều quốc gia, theo kiểu diễn đàn G20.