Nga không liên quan đến sự mất toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine

ANTĐ - Ngày 13-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Alexander Lukashevich cho biết, Crimea thống nhất với Nga là tự nguyện, không vi phạm biên bản ghi nhớ Budapest. Vì vậy Moscow không phải chịu trách nhiệm đối với việc mất toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 

Nga không liên quan đến sự mất toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine  ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Alexander Lukashevich 

Ông Lukashevich nói: “Tôi muốn khuyên những người đang cho rằng, Nga vi phạm biên bản ghi nhớ Budapest hãy đọc văn bản tài liệu này ít nhất 1 lần”.

Phát ngôn viên cho hay, thực tế, biên bản ghi nhớ chỉ có một khía cạnh liên quan đến Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Trong đó, Nga cam kết không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Ukraine hoặc bất kỳ quốc gia ký kết NPT nào.

Mặt khác, trong bản ghi nhớ Budapest, Nga hứa kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Ukraine.  
Rõ ràng, Moscow đã thực hiện đúng cam kết của mình. Vì vậy, việc liên kết các sự kiện xảy ra tại Ukraine với hiệp định NPT  là hoàn toàn không phù hợp và không trung thực. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: “Những ai nói bóng gió về việc vi phạm thực tế đang phá hoại các điều kiện được quy định trong hiệp ước”.

Về vấn đề Crimea, ông Lukashevich nhận định, Crimea trở về với Nga là tự nguyện sau khi đa số người dân ở đây và Sevastopol thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý. Vì thế việc Ukraine bị mất toàn vẹn lãnh thổ là do quá trình nội bộ phức tạp, không liên quan tới Nga.

Không công nhận tính hợp pháp của cuộc đảo chính tháng 2-2014 tại Ukraine,  Crimea và Sevastopol đã thông qua tuyên bố độc lập vào ngày 11-3-2014. Họ đã tổ chức một cuộc trưng cầu vào ngày 16-3-2014, trong đó 96,77% người dân Crimea và 95,6% cử tri Sevastopol bỏ phiếu chọn ly khai khỏi Crimea và thống nhất với Nga.

Mặc dù Moscow liên tục khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và phù hợp với tiền lệ Kosovo ly khai khỏi Serbia vào năm 2008, nhưng phương Tây và Kiev đã từ chối công nhận tính hợp pháp của sự kiện này.