Nga không chấp nhận điều kiện “ngược đời” của Pháp về Mistral

ANTĐ - Thương vụ Mistral vẫn còn là một mớ bùng nhùng đối với cả Nga và Pháp, bởi những điều kiện thanh lý hợp đồng mà Paris đặt ra bị Moscow cho là “vô lý, không thể chấp nhận được”. 

Đến nay, tuy Nga và Pháp vẫn tuyên bố chưa từ bỏ hợp đồng mua sắm 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral nhưng theo giới quan sát, về cơ bản nó đã chấm dứt bởi trong suốt tháng nay, hai bên không còn tìm ra giải pháp giao tàu nữa, mà chỉ tranh cãi về những điều khoản bồi thường hợp đồng.

Ngày 30-5, nguồn tin trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật tuyên bố với Hãng thông tấn Nga RIA Novosti, về việc giải quyết hợp đồng cung cấp tàu đổ bộ trực thăng "Mistral", Pháp đã đặt ra cho Nga những điều kiện hoàn toàn không thể chấp nhận được.

"Trên thực tế, các cuộc thương lượng về thanh lý vẫn còn chưa được bắt đầu, vì rằng người Pháp đã đặt ra những điều kiện mà đối với chúng tôi là tuyệt nhiên không thể chấp nhận được”, bởi vậy, có ngồi vào bàn đàm phán cũng không giải quyết được vấn đề gì - nguồn cung cấp tin cho biết.

Ông này không giải thích rõ đó là những điều kiện như thế nào, mà chỉ nói rằng trong số các điều kiện mà Pháp đưa ra có cả việc "hủy các thanh khoản ngân hàng".

Nga không chấp nhận điều kiện thanh lý hợp đồng của Pháp

Tuy nhiên, theo tin trước đó tờ “Kommersant” của Nga dẫn nguồn “trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật” của chính phủ Nga cho biết, Paris đã chuẩn bị và gửi đến Moscow dự thảo tài liệu giải quyết bản hợp đồng mua sắm 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral vào ngày 15-5 vừa qua.

Cụ thể, đề xuất này dự kiến sẽ hoàn trả Nga gần 785 triệu euro tiền đặt cọc, nhưng “Moscow chỉ có thể nhận được khoản tiền này sau khi chính phủ Nga chuyển giao văn bản đồng ý bán lại tàu cho bên thứ ba bất kỳ mà không kèm điều kiện đặt trước”  - “Kommersant” cho biết.

Theo nguồn tin, Nga sẽ không tán thành với kiểu ra điều kiện như vậy, bởi lẽ tốn phí và thiệt hại của Nga trong trường hợp phá vỡ hợp đồng ước tính vào khoảng 1,163 tỷ euro và sẽ không có bất kỳ chấp thuận tái xuất khẩu nào hết, không có quyết định phá bỏ hợp đồng nào được đưa ra cho đến khi các khoản tiền được hoàn trả đầy đủ.
Được biết, trước đây giới chức lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã tuyên bố có tới 1/3 thiết bị trên tàu là của Nga. Nếu Paris hủy bỏ hợp đồng và đòi bán con tàu, Moscow sẽ buộc tháo dỡ phần đuôi tàu và các hệ thống thiết bị của Nga về. Nếu vậy, Pháp sẽ phải tốn hàng trăm triệu USD nữa để phục dựng lại con tàu.