Nga khôi phục trung tâm trinh sát điện tử ở Cuba để do thám Mỹ

ANTĐ - Moscow và Hanava đã đạt được thoả thuận mở cửa trở lại trung tâm trinh sát điện tử tại Lourdes, Cuba – nơi đã từng là căn cứ do thám tín hiệu lớn nhất của Nga, phải đóng cửa do khó khăn tài chính và áp lực của Mỹ năm 2001.

Khi còn hoạt động, trung tâm này được vận hành bởi hàng nghìn nhân viên quan sự và do thám. Nhiệm vụ của nó là thu tín hiệu từ và đến lãnh thổ Mỹ, sau đó truyền thông tin cho các tàu của Nga ở phía tây bán cầu.

Nga đã cân nhắc việc mở lại trung tâm này từ 2004 và đi đến quyết định vào tuần trước khi tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm đến Cuba.

Tổng thống Putin vừa có chuyến thăm Cuba vào tuần trước

Trung tâm do thám này được thành lập từ năm 1967, nằm ở Lourdes, ngoại ô thủ đô Hanava, và chỉ cách lãnh thổ Mỹ 250 km. Ở cao trào của chiến tranh lạnh, đây là trung tâm do thám tín hiệu lớn nhất của Nga ở nước ngoài, với 3.000 nhân sự làm việc.

Từ căn cứ này, Nga có thể phát hiện được thông tin liên lạc trên hầu hết các phần của Mỹ, bao gồm cả những trao đổi giữa trung tâm vũ trụ ở Florida và các máy bay Mỹ.

Sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ, căn cứ này đã thu nhỏ hoạt động, nhưng vẫn tiếp tục vận hành. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga năm 1998 đã khiến Moscow không đủ tiềm lực tài chính để duy trì nhiều căn cứ quân sự và do thám, bao gồm cả trung tâm trinh sát này. Trong thời Xô-viết, Cuba cho Nga thuê miễn phí, tuy nhiên, từ năm 1992, Moscow phải trả hàng trăm triệu USD mỗi năm bên cạnh chi phí hoạt động.

Bên cạnh đó, vào tháng 7/2000, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật tin tưởng và hợp tác Nga – Mỹ, theo đó, Washington sẽ xoá hết các khoản nợ của Nga với Mỹ, nếu Moscow ngừng mọt hoạt động của trung tâm do thám ở Lourdes.

Nga đã làm theo yêu cầu của Mỹ vào năm 2001. Cùng thời gian đó, tướng lĩnh quân đội Nga Anatoly Kvashnin cũng đã tuyên bố rằng, trung tâm do thám ở Lourdes không còn quan trọng, tốn kém và hoạt động của nó có thể dễ dàng được thay thế bởi vệ tinh hiện đại.

Hiện tại, chi tiết về thời gian vận hành trở lại trung tâm này vẫn chưa được thông báo, tuy nhiên, Nga có thể sẽ duy trì khoảng 1.000 nhân sự hoạt động tại đây, ít hơn nhiều so với trong quá khứ, do các thiết bị do thám hiện đại có thể làm việc tự động. Việc mở lại trung tâm trinh sát này hứa hẹn sẽ tăng cường được khả năng do thám của Nga ở phía tây bán cầu, đặc biệt là Mỹ.