Nga: Gia tăng số người chết vì rượu “tự chế” ở chợ đen

ANTĐ - Ban tổ chức Olympic mùa Đông tại Sochi đang hy vọng rằng Thế vận hội này sẽ khích lệ một lối sống lành mạnh tại Nga - một quốc gia có 75% lượng thức uống có cồn được tiêu thụ là rượu mạnh. Bia chỉ được coi như nước giải khát. Trung bình mỗi năm, người dân Nga tiêu thụ 1 tỷ lít rượu Vodka và thậm chí hãng sản xuất rượu Vodka lớn nhất nước Nga (Russian Standard) vừa bỏ ra 3 triệu USD để mua đứt tên miền Vodka.com nhằm chiếm lĩnh thị trường rượu thế giới.

Cứ trung bình 3 người đàn ông Nga thì có 1 người thường xuyên uống rượu (tỷ lệ này ở nữ là 1/7). Nếu như vào năm 1993, mức độ tiêu thụ rượu đã đạt mức 14,5 lít rượu nguyên chất cho mỗi đầu người, biến Nga thành quốc gia tiêu thụ rượu nhiều nhất thế giới thì nay 18 lít/năm là lượng rượu trung bình một người Nga tiêu thụ, chính xác đó là số liệu do Viện Y tế quốc gia Nga công bố. 

Con số thống kê cho biết, hơn một nửa dân số Nga bị tử vong đều liên quan đến rượu Vodka. Theo ông Nemtsov, Tiến sỹ y học, Trưởng phòng tin học và nghiên cứu hệ thống thuộc Viện nghiên cứu tâm thần học, Bộ Y tế Liên bang Nga, mỗi năm có khoảng nửa triệu người Nga chết sớm do lạm dụng rượu. “Tính trung bình mỗi năm có 352 nghìn đàn ông và 135 nghìn phụ nữ “ra đi” trước tuổi. Các bệnh người dân Nga hay phải đối mặt liên quan đến Vodka là ung thư phổi, vòm họng, ung thư tụy, bệnh gan và ngộ độc cồn. Nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet (Anh) đưa ra con số 25% đàn ông Nga chết trước tuổi 55, và đa số trường hợp tử vong là vì rượu chè.

Con số của nhóm tuổi tương tự ở Anh là 7%. Trong khi tỷ lệ chết trước tuổi 55 của đàn ông Mỹ là 1/11 thì tại Nga tỷ lệ này cao hơn rất nhiều 1/4. Theo Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO), hiện nay tại Liên bang Nga trong 5 người chết thì có một người chết vì liên quan đến rượu, so với tỉ lệ 6,2% nam giới trên toàn thế giới. Theo tờ Daily Mail (Anh ) mỗi năm, ngộ độc rượu giết chết 30.000 người Nga, gấp đôi số quân Liên Xô thiệt mạng trong 10 năm chiến tranh ở Afghanistan. Từ thập niên 1970 đến nay, cứ mỗi 10 năm lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Nga lại tăng gấp đôi. Có thể coi Vodka là môt thứ  “quốc nạn” của Nga vì nó góp phần làm giảm tuổi thọ của dân Nga (chỉ là 60 tuổi, theo Tổ chức Y tế Thế giới), thấp hơn cả tuổi thọ ở những nước nghèo như Bangladesh hay Honduras.

Chính quyền Nga đã liên tục tìm cách đối phó với tệ nạn nghiện rượu như tăng giá rượu Vodka hay cấm người uống rượu lái xe và cấm bán rượu vào buổi tối nhằm giảm thiểu số trường hợp tử vong vì rượu, nhưng dường như chẳng có kết quả mấy. Giá một chai Vodka nửa lít được ấn định là 150 rúp, khoảng 90.000 VND, nhưng điều đáng ngại hơn cả là phân nửa số rượu mạnh tiêu thụ ở Nga là rượu lậu, giá chỉ khoảng 30, 35 rúp, rất hợp với túi tiền dân nghèo. Sau một đợt tăng giá rượu và sản lượng rượu quốc gia bị giảm, một số người đã bắt đầu tích trữ đường để nấu rượu lậu, và những người khác tự đầu độc mình bằng những hóa chất gây say nguy hiểm như cồn công nghiệp hay cả dung dịch làm mát máy xe! Thành thử, càng chống nghiện rượu, thì lại càng thúc đẩy nạn buôn rượu bất hợp pháp và lại càng làm tăng thêm số nạn nhân chết vì uống rượu “tự chế” ở chợ đen. Chỉ 1/3 lượng Vodka đang tiêu thụ ở Nga là thuộc diện hợp pháp. Tờ báo Il Sole 24 Ore (Italia) viết rằng xưa nay ai cũng biết Nga là đất nước của Vodka, nhưng ngày nay phải nói “Nga là đất nước của Vodka giả” thì mới đúng. Bộ trưởng Nội vụ Nga R.Nurgaliyev cho biết mỗi năm rượu giả đã cướp đi sinh mạng của 42.000 người dân nước này. Theo ông Nurgaliyev, rượu bày bán tại các cửa hàng ở Nga thường chứa các chất độc hại và ông gọi vấn nạn này là một “bi kịch quốc gia”. Bất chấp việc Chính phủ đã áp dụng những biện pháp cứng rắn để giải quyết vấn đề này nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.