Nga chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat

ANTĐ - Ngày 29-1, báo Lenta.Ru của Nga đưa tin loại tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat của nước này có thể được thử nghiệm ở quy mô toàn diện trong vòng một hoặc một năm rưỡi sau các cuộc thử nghiệm ban đầu, dự kiến tiến hành trong năm 2015.

Lenta.Ru dẫn lời một nguồn tin quân sự cho rằng: “Nếu các cuộc thử nghiệm ban đầu này được tiến hành theo kế hoạch và tên lửa vận hành tốt, thì nó sẽ được phóng thử thử trong vòng một hoặc một năm rưỡi sau đó”.

Trong khi đó, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói với hãng tin RIA Novosti rằng, 7 trung đoàn tên lửa của nước này sẽ được trang bị các tổ hợp tên lửa đạn đạo Sarmat nặng 100 tấn và được triển khai dưới hầm silo này.

“Chúng tôi sẽ sử dụng một phương tiện đặc biệt để kiểm tra công suất nâng của tên lửa”, nguồn tin nói và cho biết rằng, lịch trình của các cuộc kiểm tra ban đầu này rất khó xác định, nhưng trong ngành công nghiệp chúng thường được thực hiện vào cuối năm.

Một tên lửa đạn đạo triển khai dưới hầm silo của Nga (Ảnh minh họa)

Trước đó, Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov nói rằng các cuộc thử nghiệm ban đầu của tên lửa Sarmat đã được lên kế hoạch tiến hành trong năm nay. Bên cạnh đó, tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Đại tướng Sergei Karakayev cũng tiết lộ rằng loại tên lửa mới này sẽ được đưa vào biên chế trước năm 2020.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat, có tầm bắn không dưới 5.500 km (trên 3.400 dặm), sẽ thay thế loại tên lửa chiến lược lớn nhất thế giới Voevoda (NATO gọi là Satan) vào khoảng thời gian từ 2018 đến 2020.

Đặc điểm vật lý và thông số kỹ thuật của tên lửa đạn đạo liên lục địa được cho là hạng nặng này vẫn được giữ bí mật, và các bộ phận của hệ thống đang được thử nghiệm. Chỉ có các doanh nghiệp Nga tham gia vào việc sản xuất loại tên lửa hiện đại này.

Hồi tháng 12-2013, Đại tướng Karakayev cho hay, tên lửa Sarmat dự kiến sẽ được trang bị các hệ thống đối phó điện tử tiên tiến, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát phức hợp và có khả năng cơ động cao, cho phép nó thâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.