Nga chỉ trích chương trình "tấn công toàn cầu chớp nhoáng" của Mỹ

ANTĐ - Thứ trưởng Ngoại trưởng Nga Sergei Ryabkov vừa lên tiếng chỉ trích những nỗ lực xây dựng hệ thống tên lửa phòng không và chương trình "tấn công toàn cầu chớp nhoáng” (PGS) của Mỹ là hành động phá hỏng tiến trình đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân.

Chương trình PGS sẽ cho phép Washington thực hiện những vụ tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân siêu thanh đối với bất kì mục tiêu nào trên trái đất trong vòng 1 giờ đồng hồ.

“Mỹ đã làm chúng tôi không thể tiếp tục đối thoại khi gây bất ổn bằng những động thái như lắp đặt các hệ thống phòng không và phát triển chương trình tấn công toàn cầu”, ông Ryabkov cho hay.

Mỹ đang phát triển mạng lưới có khả năng tấn công toàn cầu bằng vũ khí siêu thanh

PGS có cấu trúc chung giống với một “bộ 3 hạt nhân” bao gồm khả năng tấn công bằng vũ khí thông thường từ đất liền hoặc trên biển sử dụng các tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tên lửa hành trình, khả năng tấn công từ trên không bằng tên lửa siêu thanh và oanh tạc từ các căn cứ trên không gian ngoài trái đất. Nga ước lượng rằng vào năm 2020 Mỹ sẽ có khoảng 8.000 tên lửa hành trình, trong đó khoảng 6.000 tên lửa sẽ mang được đầu đạn hạt nhân, do đó, việc Mỹ có thể tấn công vươn tới lãnh thổ Nga là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngoài ra, theo ông Ryabkov, những luận điệu để cắt giảm vũ khí hạt nhân của Mỹ đang trở nên thiếu logic trước việc nước này liên tiếp theo đuổi chính sách cấm vận Nga. Thứ trưởng Ryabkov khẳng định, việc tiếp tục thảo luận về vấn đề hạt nhân chỉ xảy ra khi phía Washington cân nhắc đến các lợi ích quốc gia của Moscow.

Vào hôm 5-2, Mỹ đã thúc giục Nga tiếp tục thảo luận về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước cát giảm vũ khí chiến lược mới (New START), vốn đi vào hiệu lực từ năm 2011.

Để trả lời cho đề xuất của Mỹ, Thứ trưởng Ryabkov cũng khẳng định rằng, quá trình thương lượng phải có sự xuất hiện của nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác do Moscow đang lo ngại một cuộc chạy đua vũ trang trên không gian vũ trụ.

“Chúng tôi vô cùng quan ngại trước việc nhiều nước đang di chuyển vũ khí lên không gian vũ trụ và cần phải có văn bản luật pháp quy định cấm đưa những thiết bị nguy hiểm lên quỹ đạo trái đất”, ông Ryabkov nhấn mạnh.