Nga cấm vận quá cảnh, hàng không châu Âu sẽ lao đao

ANTĐ - Các phương tiện truyền thông Nga cho biết, nếu Moscow hạn chế hoặc cấm các chuyến bay của các hãng hàng không châu Âu quá cảnh qua Nga sẽ khiến liên minh này gặp khó khăn.

Hiện các phương tiện truyền thông Nga đang bàn luận về thông tin giới quan chức nước này đang cân nhắc khả năng hạn chế hoặc thậm chí từ chối các hãng hàng không châu Âu quá cảnh qua Nga để bay sang châu Á.

Báo Vedomosti thông báo đây là “nguồn tin gần gũi” với nhà thầu của các hãng hàng không châu Âu, người này là quan chức cấp liên bang và “nhẵn mặt” các thành viên tham gia cuộc thảo luận này.

Theo Vedomosti, khả năng hạn chế hoạt động bay quá cảnh của các hãng châu Âu đã được đề cập tới ngay sau khi xuất hiện những biện pháp trừng phạt đầu tiên của Liên minh châu Âu đối với Nga. Nhưng sự kiện gần đây - việc Dobrolet buộc phải ngừng hoạt động và khoản phạt mà Ukraina áp đặt với các chuyến bay của Nga đến Crimea - đòi hỏi Nga phải có những hành động đáp trả.

Hiện nay, hàng loạt các chuyến bay từ châu Âu đi châu Á được các hãng hàng không EU thực hiện theo con đường ngắn nhất là xuyên Siberi và thanh toán phí cho Aeroflot.

Đối với các hãng hàng không nước ngoài, việc ngừng bay qua Siberia trung bình sẽ làm tuyến đường bay Âu-Á kéo dài thêm một giờ rưỡi - ông Oleg Panteleev, lãnh đạo bộ phận phân tích của Aviaport cho biết.

Nga cấm vận quá cảnh, hàng không châu Âu sẽ lao đao ảnh 1

Nếu Nga cấm vận quá cảnh, hàng không châu Âu sẽ lao đao

Điều này đồng nghĩa với việc các hãng hàng không châu Âu sẽ phải tăng chi phí nhiên liệu và chi phí giờ lao động, tăng tải trọng của các thiết bị, nhưng doanh thu lại giảm xuống. Các nhà vận tải châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn nếu điều này xảy ra.

Sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, bắt đầu từ vụ lật đổ Tổng thống hợp hiến Viktor Yanukovych vào tháng 2 năm nay, sự phản đối Kiev của một bộ phận dân chúng Ukraine đã leo thang thành nội chiến ở miền đông nước này. Mỹ và châu Âu đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận đối với Nga khiến nước này thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế.

Đặc biệt là sau vụ chiếc Boeing 777 thuộc chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi trên bầu trời Donetsk, cách biên giới Nga-Ukraine gần 60km, Mỹ và EU càng gia tăng các lệnh cấm vận, đồng thời lôi kéo thêm các đồng minh ngoài EU như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia tham gia vào cấm vận Nga.

Tuy nhiên, lãnh đạo Nga, đặc biệt là Tổng thống Putin vẫn cương quyết cho rằng, bao vây, cấm vận Nga sẽ không phát huy được tác dụng và cho đến nay Nga vẫn chưa tiến hành các biện pháp đáp trả tương xứng.