Nga bị cô lập khi các nước lần lượt xây hàng rào chặn biên giới?

ANTĐ - Moscow hẳn rất đau đầu khi các nước láng giềng của mình như Ukraine, Ba Lan, Estonia đua nhau xây hàng rào, ngăn cách biên giới với Liên bang Nga.

Theo tin của tờ Postimees, chính phủ Estonia đã thông qua kế hoạch xây dựng bức tường dọc theo biên giới đất liền với Nga. Chiều cao của bức tường ngăn sẽ là 2,5 mét, còn chiều dài tổng cộng là vảo khoảng 108 km đường biên giới.

Hãng tin dẫn nguồn từ lực lượng biên phòng của Estonia lưu ý rằng, để canh phòng chặt chẽ, nước này sẽ cho lắp đặt trên hàng rào này các hệ thống camera, máy ảnh tự động và cả các phương tiện bay trinh sát không người lái.

Ngoài ra, Estonia còn dự kiến lắp đặt rào chướng ngại ngăn chặn sự di chuyển của động vật hoang dã để bổ sung cho tường ngăn. Tại các khu vực đất đầm lầy ngập nước ven biên sẽ không có hàng rào mà chỉ cắm cột mốc và tiếp tục mở thêm các tuyến kiểm soát.

Ngồn tin từ lực lượng biên phòng Estonia còn thông báo, công việc tăng cường các hạng mục lắp đạt kỹ thuật ở khu vực biên giới sẽ bắt đầu vào năm 2018, với tổng chi phí vào khoảng 71 triệu euro.

Estonia quyết định xây hàng rào ngăn biên giới với Nga

Theo nguồn tin, việc củng cố ranh giới quốc gia của Estonia nhằm "giảm thiểu số lượng các vụ vượt biên trái phép”. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đều cho rằng, nước này xây tường ngăn biên giới là nhằm ngăn chặn những nguy cơ xung đột với Nga, giống như Ukraine và Ba Lan đã làm trước đây.

Hồi đầu tháng 4-2015, Ba Lan đã quyết định tăng cường ngăn chặn và theo dõi đường biên giới giữa nước này và tỉnh Kaliningrad của Nga. Đây là tỉnh ngoại biên của Nga, nằm lọt giữa Belarus và một số quốc gia NATO như Ba Lan, Latvia…

Nước này dự định sẽ tăng cường quan sát và khống chế khu vực biên giới giáp với Kaliningrad, bằng cách xây những tháp quan sát cao 35 và 50 mét dọc theo toàn tuyến biên giới, lắp đặt các thiết bị quan sát để kiểm soát biên giới suốt ngày đêm.

Theo con số thống kê của lực lượng Bộ đội biên phòng nước này, để xây dựng hàng trăm tháp canh có chiều cao tương đương các tòa nhà từ 11 đến 15 tầng này, bao trọn toàn bộ 200 km biên giới giữa Nga và Ba Lan, ngân sách quốc gia của Ba Lan sẽ tốn khoảng 4 triệu USD.

Binh lính Ba Lan trong một cuộc tập trận

Trước đó, ngay từ đầu tháng 9-2014, Ukraine cũng đã khởi công xây dựng một công trình siêu lớn là hệ thống hàng rào, hào chống tăng, ngăn cách biên giới nước mình thuộc các khu vực quân chính phủ còn kiểm soát được, thuộc 2 tỉnh Donetsk và Lugansk.

Tháng 9-2014, Nội các Ukraine đã thông qua dự thảo do Cơ quan biên phòng quốc gia đề xuất về dự án với tên gọi là "Bức tường biên giới” (Stena) dài 2.295 km, nhằm “cách ly đông nam Ukraine khỏi mối liên hệ với Nga”.

Được biết, công trình này được triển khai với kế hoạch tạo ra hai tuyến phòng thủ, nằm trong khuôn khổ “Kế hoạch tái thiết đất nước”. Khối lượng công việc gồm khoảng 500 km giao thông hào, các tháp canh cao 17m, hơn 8.000 hố dành cho phương tiện quân sự, hơn 4.000 hầm và khoảng 60 km hào chống tăng.

Phần đất biên giới về phía Ukraine sẽ xây dựng hào rộng 4m và sâu 2m, nhằm chống sự xâm nhập của xe tăng, thiết giáp và các thiết bị tự hành hay xe kéo khác, hàng rào và các biển báo cũng sẽ được trang bị hệ thống giám sát quang điện tử, các tháp canh và các kết cấu giám sát khác.

Thủ tướng Ukraine Yasenyiuk kiểm tra tiến độ xây dựng hàng rào biên giới Nga-Ukraine

Chính quyền Ukraine đã thông qua nguồn ngân sách với chi phí ước tính ban đầu là 500 triệu USD. Tuy nhiên, chi phí đã được giảm xuống còn 200 triệu USD vì cắt giảm nhiều hạng mục và dự kiến sẽ hoàn tất trong 3 năm thay vì 4 năm như kế hoạch ban đầu.

Được biết, Ukraine từ trước đến nay vẫn cáo buộc Nga đưa quân và tuồn vũ khí, trang bị cho lực lượng ly khai ở 2 tỉnh Donetsk và Lugansk, do đó, chính quyền Kiev đã cho triển khai xây dựng kế hoạch này nhằm “chặt đứt sự liên hệ giữa các phần tử ly khai Donbass với Nga”.

Estonia và Ba Lan là các quốc gia đông Âu và Baltic có xu hướng chống Nga quyết liệt. Ngoài việc xây hàng rào ngăn biên giới, các nước này còn mới Mỹ và NATO xây dựng các căn cứ quân sự và triển khai vũ khí nặng đến nước mình nhằm “đối phó với mối đe dọa an ninh từ Nga”.