Tiểu thuyết “Vui buồn trong hộp”:

"Nếu không phá vỡ thì là cam chịu"

ANTĐ - Cái tên “Vui buồn trong hộp” được Đoàn Bảo Châu lý giải: “Mỗi thời điểm sống, chúng ta lại bó buộc trong một cái hộp, có thể hữu hình hay vô hình. Nhưng quá trình sống chính là phải chọn lựa: Hoặc là phá vỡ, hoặc là cam chịu”.  

"Nếu không phá vỡ thì là cam chịu" ảnh 1

7 con người, 7 số phận

Nếu như độc giả biết đến Đoàn Bảo Châu qua “Khói” - cuốn tiểu thuyết đã trở thành hiện tượng của văn học Việt Nam trong năm 2013, thì có lẽ khi đọc đến “Vui buồn trong hộp”, nhiều người sẽ có phần lạ lẫm vì nó không hoàn toàn giống như một cuốn tiểu thuyết truyền thống. Không chỉ tập trung vào 1 nhân vật, tác giả đi qua 7 con người với 7 số phận khác nhau. Điểm chung gắn kết 7 người này chính là “cái hộp” - một khu tập thể kiểu cũ có mấy chục nhân khẩu cùng sinh sống, nơi diễn ra mọi sự va chạm, xung đột có khi đến sứt đầu mẻ trán. Từ việc tức nhau cái bể nước sinh hoạt cho đến chuyện con chuột chết, tất cả tạo nên những câu chuyện dở khóc dở cười. Các nhân vật dù trực tiếp hay gián tiếp đều tham gia vào những lát cắt vụn vặt thường ngày của cái hộp đó, tạo thành một bản “hòa tấu” với đủ những hỉ, nộ, ái, ố. 

Không chỉ tham gia vào đời sống của khu dân cư, họ còn có những nỗi niềm, những câu chuyện, những ẩn ức riêng. Hoài Thương, chàng phóng viên táo bạo, si tình; Huyền Miên, cô gái bí ẩn mang nỗi đau đeo đẳng bị người tình phụ bạc; Cường “thầy thuốc”, tay ăn chơi sành sỏi khét tiếng; Lệ, cô gái làng chơi sống có tình nghĩa; Phi, chàng sinh viên nghèo luôn phải đối diện với nỗi lo cơm áo gạo tiền... Số phận gần như không rộng đường với họ, để rồi trong một số tình huống nào đó, họ gần như phải bứt ra, phải phá bung, phải vượt qua tất cả những lề thói của xã hội, những định kiến thông thường để bảo vệ sự tồn tại của chính mình. Trong vô vàn những tình huống khiến con người ta bi lụy đến thảm thương, khiến con người ta có thể “chết hụt” ấy, cuối cùng bằng cách nào đó, những cư dân trong khu tập thể đều tìm thấy lối thoát. 

"Nếu không phá vỡ thì là cam chịu" ảnh 2Nhà văn Đoàn Bảo Châu và tiểu thuyết “Vui buồn trong hộp”

Khát khao thoát khỏi “chiếc hộp”

Trong 7 nhân vật “Vui buồn trong hộp”, người đọc dễ có ấn tượng với những con người thuộc về phần tối tăm của xã hội. Chẳng hạn như Cường - một kẻ sành sỏi, lọc lõi, thông thạo từng đường đi nước bước trong “thế giới ngầm” nhưng cũng rất sòng phẳng, rạch ròi. Bằng đủ các mối quan hệ, hắn không ít lần đứng ra bảo vệ cho những cô gái làng chơi - những người mà xã hội lánh xa, khinh bỉ.

Diễm Lệ, một cô gái xinh đẹp với tiền đồ rộng mở trở thành một giáo viên, đã vĩnh viễn từ bỏ ước mơ, bước chân vào con đường nhơ nhớp sau khi gia đình gặp biến cố. Số phận bất công khiến cô tự nhận thấy “dòng đời đã trôi qua như một dòng sông và cuốn đi bao số phận, bao câu chuyện kiếp người, trong ấy có nhiều nhánh chảy li ti âm thầm chẳng ai biết”… Ngoài những điểm nhấn này, những nhân vật khác cũng tham gia vào bức tranh xã hội chao đảo với đủ biến cố, sóng gió. Và cuối cùng, “cái hộp” gần như vỡ ra. Cái trục “cô đơn”, hay trục “đông đúc” đã đảo chiều. Những người còn ở lại gắn bó với khu tập thể, một số khác đã ra đi để chắc rằng họ không bỏ lỡ những điều tốt đẹp của cuộc đời. Không phá vỡ, thì là cam chịu. 

Nếu như ở “Khói”, người ta nói Đoàn Bảo Châu viết nhiều bằng trải nghiệm, thì ở tiểu thuyết này, anh đã tung tẩy, tự do hơn. Chia sẻ việc lần đầu hóa thân đến 7 nhân vật, anh chia sẻ: “Nhà văn một mặt nào đó giống như một diễn viên. Nếu đặt tâm thế vào cây đàn thì tôi sẽ viết được sự rộn ràng và cả những lúc đau khổ, dằn vặt của nó. Tôi tin rằng, người viết không thể e ngại. Họ cần bước lên khai phá những góc tối của con người”.