"Nếu đúng như nhiều nhận định thì tôi quá bi quan về tăng trưởng"

ANTD.VN - Ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng ban Ban Chính sách Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM) cho rằng, có nhiều lý do khiến tăng trưởng GDP 7,38% trong quý I-2018 chưa tăng nhiều về chất lượng nền kinh tế. 

Kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa ổn định

Sáng 11-4, CIEM đã tổ chức hội thảo "Kinh tế vĩ mô quý I-2018: Diễn biến và yêu cầu cải cách mới". 

Đánh giá về kinh tế quý I-2018, ông Nguyễn Anh Dương cho hay, GDP quý I tăng trưởng 7,38%, cho thấy tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. 

"Nhiều phân tích cho rằng, diễn biến mùa vụ năm nay khác các năm trước nên dự báo tăng trưởng quý III, quý IV sẽ giảm xuống. Nhưng tôi bi quan với lập luận cho rằng tăng trưởng quý I năm nay cao là do đà từ quý IV-2017, bởi lẽ, tăng trưởng quý III, quý IV năm nay giảm thì sang quý I-2019 sẽ tiếp tục đà giảm. GDP khi đó sẽ vô cùng thấp"- ông Nguyễn Anh Dương nói. 

Theo ông Nguyễn Anh Dương, nếu đặt tỷ trọng tăng GDP 7,38% cao nhất trong 10 năm qua thì nghiên cứu của các chuyên gia CIEM cho thấy, cứ mỗi 2 năm liên tiếp GDP tăng thấp thì lại đến 1 năm GDP tăng cao. Và tính trung bình, tốc độ trăng trưởng trung bình của 3 năm liên tiếp tương đối ổn định, không có đột phá.

CIEM cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến GDP quý I-2018 tăng trưởng cao và một trong những lý do được nhắc đến nhiều là do tăng trưởng xuất khẩu. Tuy vậy, "chúng ta không nên quá hồ hởi với thành tích xuất khẩu. Vừa rồi, không nước nào nói về tăng trưởng xuất khẩu nhiều như Việt Nam. Tăng trưởng ở lĩnh vực này có đóng góp quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, thông qua xuất khẩu nông, thủy sản. Tuy nhiên, đây là những mặt hàng dễ chịu tác động nhất bởi các biện pháp phi thuế quan.

Mặt khác, tăng trưởng xuất khẩu nông, thủy sản lại chủ yếu xuất sang Trung Quốc, trong khi thị trường này đang đứng trước cuộc "chiến thanh thương mại" thì ta có nguy cơ bị ảnh hưởng"- ông Nguyễn Anh Dương nêu vấn đề.

Cùng với nhiều nguyên nhân khác, CIEM cho rằng nền kinh tế chưa có tăng trưởng đáng kể nào về chất.

GS. TSKH Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, cần phân biệt tăng trưởng đó do sản xuất đưa lại hay do đầu tư mà có để đánh giá chất lượng tăng trưởng.

Theo TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM, đóng góp trong tăng trưởng vĩ mô có vài trò của Samsung, Formosa... Tuy nhiên, ta chưa tính được thay đổi về chất của sản xuất và kinh tế. Việt Nam đang cần tăng trưởng kinh tế dựa trên gia tăng năng suất lao động.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo cần thận trọng trong điều hành lạm phát. Thực tiễn từ cuối năm 2017 cho thấy, lạm phát thấp nên điện tăng giá. Ngay lập tức, chi phí sản xuất kinh doanh, giá các mặt hàng khác tăng theo khiến lạm phát quý I, quý II năm 2018 rất áp lực. 

Lạm phát đầu năm 2018 đang phanh lại nên dự báo lạm phát đến cuối năm 2018 lại thấp và khi đó, giá một số dịch vụ lại có nguy cơ tăng. "Lạm phát mục tiêu đạt được nhưng không ổn định nên cần thận trọng"- một chuyên gia kinh tế khuyến cáo.