Giải mã khẩu hiệu tranh cử ở Pakistan:

“Nếu đắc cử, tôi sẽ ra lệnh bắn hạ hết UAV Mỹ"

ANTĐ - Bước vào tháng 5, không khí của cuộc bầu cử ở Pakistan đang dần nóng lên cùng với các khẩu hiệu chống Mỹ của các chính trị gia càng ngày càng gia tăng.

Vừa qua, Hãng tin Mỹ Associated Press cho biết, nhiều ứng cử viên trong cuộc bầu cử đã xem Mỹ là mục tiêu công kích chủ yếu, thi nhau biểu thị thái độ chống Mỹ, thậm chí có ứng viên còn mạnh mồm tuyên bố: “Nếu đắc cử sẽ cho bắn hạ hết UAV Mỹ”.

Associated Press cho rằng, các khẩu hiệu chống Mỹ trong vận động tranh cử biểu thị Chính phủ mới sẽ vượt qua Chính phủ đương nhiệm về phương diện chủ nghĩa dân tộc và bảo vệ chủ quyền Pakistan. Đồng thời, tân Chính phủ cũng sẽ có những động thái mới, quyết liệt hơn để ngăn cản hoạt động tiến công bằng máy bay không người lái của quân đội Mỹ trong lãnh thổ Pakistan.

Theo số liệu của 2 trường đại học Stanford và New York - Mỹ, đưa ra ngày 13-01-2013, máy bay không người lái đã thực sự trở thành vũ khí không thể thiếu đối với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, đặc biệt khi cần thực hiện nhiệm vụ ở các vùng đồi núi hẻo lánh. Đó cũng là lý do mà tần suất dùng đến UAV của CIA ngày càng tăng.

Trong giai đoạn 2004 - 2012, có 349 vụ không kích bằng phương tiện này, trong số đó 297 vụ diễn ra dưới thời của Tổng thống Barack Obama, tức từ đầu năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu nói trên khuyến cáo Washington nên điều chỉnh lại chiến lược của mình và đừng quá lạm dụng UAV.

Người dân Pakistan gọi UAV Mỹ là "quái vật không có lý trí"

Nhìn lại mấy năm gần đây, quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan đã sa sút trầm trọng mà một trong những nguyên nhân chính là việc Mỹ sử dụng máy bay không người lái tiến hành các hoạt động tiến công quân sự trên lãnh thổ Pakistan.

Trong đó, hàng loạt các vụ tấn công nhầm vào thường dân nước này, đặc biệt là vụ tấn công ám sát Osama bin Laden tại một khu vực phủ cận thủ đô Islamabat đã gây ra những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực.

Cũng theo báo cáo của 2 đại học Stanford và New York đưa ra ngày 13-01-2013, từ tháng 6-2004 đến 9-2012, khoảng 2.593 - 3.365 người Pakistan đã thiệt mạng do 349 đợt tấn công của UAV Mỹ. Trong số này, có từ 474 - 884 dân thường, bao gồm 176 trẻ em. Phần lớn những vụ oanh kích nói trên tập trung ở Waziristan, khu vực biên giới với Afghanistan bị cho là “điểm nóng” của quân Taliban.

Máy bay không người lái của Mỹ không ngừng vần vũ trên bầu trời Waziristan và thật sự trở thành nỗi khiếp đảm của người dân. Họ hầu như không dám tụ tập thành nhóm đông người vì có thể bị loại “quái vật không có lý trí này" để ý. Ngay cả các lễ an táng người quá cố cũng phải tiến hành thật đơn giản, thậm chí diễn ra trong đêm tối. Đám cưới không khá hơn khi tiệc mừng được tinh giản tối đa, khách mời hạn chế tối thiểu.

Báo cáo của 2 đại học Stanford và New York đặc biệt nhấn mạnh đến ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý đối với người dân Pakistan: “Sự hiện diện quá thường xuyên của UAV để truy sát phiến quân Taliban trên thực tế đã ‘tra tấn’ tinh thần dân chúng. Rất nhiều người sang chấn tâm lý do lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Thấy người bị thương vì bom đạn, họ cũng không dám đến hỗ trợ ngay vì UAV thường tấn công liên hoàn”.

Người dân Pakistan biểu tình chống Mỹ

Hiện cuộc chiến chống khủng bố vì “sự bình yên của khu vực” đang có nguy cơ phản tác dụng. Theo tờ Le Temp, thăm dò mới nhất tại Pakistan cho thấy có đến 74% người được hỏi xem Mỹ là “kẻ thù”. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với nhận định của ông Rehnan: “Gia đình tôi đã thề sẽ trả thù cho cái chết của 2 người anh họ. Tại Waziristan, khủng bố người dân không phải là Taliban mà là đám UAV suốt ngày lởn vởn trên đầu chúng tôi”.

Tâm lý phẫn nộ của người dân, đặc biệt là ở giới trẻ vô tình là điều kiện thuận lợi để các tổ chức Hồi giáo vũ trang thu hút tân binh. Ngoài ra, các vụ việc quân đội và phương tiện truyền thông Mỹ nhiều lần phỉ báng kinh Koran nói riêng và đạo Hồi nói chung cũng dẫn đến sự phẫn nộ trong đông đảo các tầng lớp nhân dân Pakistan. Vì vậy, thật dễ hiểu khi các chinh trị gia Pakistan lấy “triệt hạ UAV Mỹ” làm khẩu hiệu tranh cử.

Tuy quân đội Mỹ vẫn lớn tiếng cho rằng cuộc bầu cử này không ảnh hưởng gì đến mình và cũng không đưa ra bất cứ phát biểu nào nhưng tháng trước, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã 2 lần hội kiến với Tổng tham mưu trưởng Lục quân Pakistan Kayani và nhấn mạnh, Washington rất coi trọng quan hệ hợp tác với Islamabat.

Dường như người Mỹ cũng hiểu rằng, nhân tố có tiếng nói quyết định cuối cùng đến vấn đề máy bay không người lái Mỹ (thủ phạm gây ra hàng loạt các vụ tấn công nhầm vào dân thường Pakistan và cũng là thủ phạm làm chia rẽ trong chính trường nước này) chính là quân đội Pakistan.