Nếu chấp nhận tố cáo nặc danh, đơn thư sẽ tràn ngập, không giải quyết xuể

ANTD.VN - Thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) chiều nay, 16-6, một số ĐBQH đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua thư điện tử, điện thoại, chấp nhận giải quyết tố cáo nặc danh, song nhiều ĐB khác lo ngại nếu quy định như vậy đơn tố cáo sẽ tràn ngập, dễ bị lợi dụng…

ĐB Trần Hồng Nguyên đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua thư điện tử

ĐB Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) cho rằng, nếu không chấp nhận các hình thức tố cáo này thì nguồn tin nhận được bị hạn chế, số cán bộ công chức vi phạm pháp luật bị xử lý không đầy đủ. "Vấn đề Luật tố cáo (sửa đổi) cần giải quyết là đưa ra được quy trình, thủ tục riêng biệt, tương ứng với tính đặc thù của từng hình thức tố cáo để có các biện pháp xử lý thông tin kịp thời, phù hợp chứ không nên hạn chế các hình thức tố cáo" - ĐB này nói.

Về tố cáo nặc danh, ĐB Trần Hồng Nguyên đồng tình nguyên tắc không xem xét giải quyết với đơn tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, vừa qua tình hình khiếu nại tố cáo rất phức tạp, thậm chí có những trường hợp sử dụng cả “xã hội đen, giang hồ” để đe dọa người tố cáo, trong khi đó việc bảo vệ người khiếu nại tố cáo hiện nay còn khá hạn chế.

Vì thế, ĐB Nguyên đề nghị cần có quy định cơ chế đặc thù với một số trường hợp được phép tiếp nhận giải quyết đơn tố cáo nặc danh, chẳng hạn với trường hợp nội dung tố cáo cung cấp tài liệu, chứng cứ một cách rõ ràng, có căn cứ.

Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) phân tích, bản thân ông cũng rất ủng hộ việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo, đó là biểu hiện của một nhà nước văn minh và tiên tiến. Nhưng ĐB cũng nêu rõ, trên thực tế, chúng ta không quản lý hết được tên miền, số điện thoại và hộp thư điện tử nên nếu bổ sung quy định các hình thức tố cáo bằng email, điện thoại, fax, mạng thông tin điện tử… thì phải hết sức cân nhắc.

“Chỉ trong vòng 2 phút thôi, chúng ta đã có thể tạo ra được một hộp thư điện tử và tạo ra thông tin tố cáo để gửi đơn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, sau đó cơ quan tiếp nhận tin tố cáo không tìm ra được người tố cáo đó là ai. Vì vậy, chúng ta không có cơ sở để xác định nội dung tố cáo đó có thật hay không để xử lý” – ĐB đoàn Đà Nẵng phân tích.

ĐB Nguyễn Chiến đoàn Hà Nội đề nghị không bổ sung hình thức tố cáo nặc danh

Với vấn đề tố cáo nặc danh, ĐB Nguyễn Bá Sơn nói thêm, theo quy định của pháp luật, khi có đơn tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn tố cáo, đồng nghĩa phát sinh mối quan hệ pháp lý giữa người tố cáo và người chịu trách nhiệm giải quyết đơn tố cáo. Nếu là đơn nặc danh thì chúng ta thiếu mất một chủ thể ở trong câu chuyện này.

“Tôi tán thành, nếu đơn thư nặc danh có căn cứ, có cơ sở, chứng cứ thì chúng ta vẫn xử lý nhưng giải quyết theo trình tự thủ tục nào? Chúng ta nên sử dụng như một nguồn tài liệu để phục vụ cho quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, tuy nhiên, phải được xử lý bằng trình tự thủ tục khác, mà trình tự thủ tục đó đã được điều chỉnh bởi luật thanh tra thì không cần thiết quy định trong dự thảo luật này” – ĐB Sơn nói thêm.

Cũng giơ biển xin tranh luận, ĐB Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) nói, không thể xác định để chấp nhận hình thức tố cáo bằng điện tử, fax… trong luật tố cáo. Tố cáo đòi hỏi phải minh bạch, rõ ràng, chính danh để bảo đảm quy trình trách nhiệm giải quyết, cũng như trách nhiệm của người tố cáo.

Liên quan tố cao nặc danh, ĐB Nguyễn Chiến nhất trí với Ban soạn thảo dự luật là không giải quyết tố cáo nặc danh. “Trong thực tiễn vừa qua, tố cáo nặc danh không nhiều, lợi dụng là chính, nếu chấp nhận tố cáo nặc danh thì không thể giải quyết được quy trình trách nhiệm của người tố cáo” – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích.