Nêu cao trách nhiệm quốc tế trong cơn "đại nạn" Covid-19

ANTD.VN - Cho dù cũng đang căng mình để phòng chống dịch bệnh Covid-19, song Việt Nam vẫn không lúc nào buông lơi trách nhiệm, luôn nỗ lực hết mình thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với đại dịch đang hoành hành khắp toàn cầu trên cương vị Chủ tịch ASEAN cũng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sẵn sàng sẻ chia “một miếng khi đói bằng một gói khi no” với các quốc gia khác trong lúc khó khăn này.

Nêu cao trách nhiệm quốc tế trong cơn "đại nạn" Covid-19 ảnh 1Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam trao tặng các trang thiết bị y tế - khẩu trang cho các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19

Thành viên tích cực, trách nhiệm trong ứng phó đại dịch

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã làm đảo lộn hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có hoạt động ngoại giao và đối ngoại. Gần như tất cả những hội nghị đa phương quốc tế lớn, các chuyến viếng thăm song phương cấp cao, các diễn đàn, hội thảo… đều đã bị hoãn, hủy do Covid-19 - đại dịch đã khiến hơn 1.900.000 người nhiễm bệnh và gần 200.000 người tử vong (tính tới hết ngày 14-4).

Thế nhưng, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là đang đảm nhiệm hai trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam trong khi nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 cũng vẫn thúc đẩy hợp tác quốc tế trong những vấn đề cấp bách, đặc biệt là ứng phó với đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm này. 

Lãnh đạo nước ta đã thường xuyên tiến hành các cuộc họp, thảo luận trực tuyến song phương với lãnh đạo các quốc gia láng giềng, các quốc gia khác trên thế giới và thảo luận đa phương trong các diễn đàn, hội nghị quốc tế khu vực và toàn cầu nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19. Những cuộc bàn thảo này nhằm trao đổi về tình dịch bệnh, các thức phòng chống của mỗi nước cũng như sự hợp tác chia sẻ thông tin, bảo hộ công dân, hợp tác cung cấp trang thiết bị y tế chống dịch…

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự cuộc họp trực tuyến với nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới là Hội nghị trực tuyến Thượng đỉnh G20 về ứng phó dịch Covid-19 vào ngày 26-3. Việc tham dự những sự kiện quan trong của khu vực và quốc tế đã thể hiện Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong ứng phó với các thách thức chung.

Một đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực toàn cầu chống đại dịch Covid-19 được ghi nhận và đánh giá cao là chúng ta đã cùng một số quốc gia khác đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp trực tuyến lần đầu tiên thảo luận về đại dịch Covid-19. Tại cuộc họp diễn ra ngày 9-4 vừa qua này, đại diện Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, điều phối quốc tế, đa phương trong tình hình hiện nay, kêu gọi chính phủ các nước, hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế, các tổ chức khu vực và các bên liên quan khác tăng cường phối hợp nhằm phục vụ ưu tiên là hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng. 

Đặc biệt, với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 là nơi để các quốc gia khu vực và đối tác chia sẻ những kinh nghiệm và nhất là tăng cường hợp tác để sớm đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục giao thương, đầu tư, làm ăn. Sự thành công của hai Hội nghị đặc biệt này đã khẳng định cam kết, quyết tâm ở cấp cao nhất của các nước ASEAN và 3 quốc gia đối tác trong khu vực nhằm tăng cường phối hợp ứng phó hiệu quả và sớm đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục sự ổn định kinh tế và xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.

Luôn hết mình vì cộng đồng quốc tế, bè bạn trong lúc khó khăn

Việt Nam luôn quan tâm, sẵn sàng chia sẻ, nỗ lực hợp tác, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Mặc dù cũng đang phải nỗ lực hết sức mình chống dịch và còn khó khăn và nguồn lực hạn chế, song hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dịch Covid-19, trong khả năng của mình, Việt Nam đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế… chống dịch cho nhiều nước.

“Một miếng khi đói bằng một miếng khi no”, Việt Nam đã hỗ trợ các trang thiết bị y tế, khẩu trang cho những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 như Italy, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức, Nga… Xúc động trước hành động kịp thời và thiết thực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, các vị Đại sứ những quốc gia này đã đánh giá cao, gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân ta vì sự giúp đỡ quý báu dành cho Chính phủ và nhân dân các nước trong lúc khó khăn này.

Tại khu vực, chúng ta cũng đã hỗ trợ những vật tư y tế, khẩu trang cho các quốc gia ASEAN như Lào, Campuchia, Myanmar. Đại sứ Myanmar tại Việt Nam Kyaw Soe Win khi tiếp nhận sự hỗ trợ này đã bày tỏ xúc động, cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ chân thành, quý báu; nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Chính phủ và nhân dân Myanmar đang nỗ lực hết sức nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn thì sự hỗ trợ kịp thời của Việt Nam là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Là những quốc gia đối tác của nhau, Chính phủ hai nước Việt Nam và Mỹ đã làm việc cùng nhau nhằm đẩy nhanh việc chuyển giao trang thiết bị bảo hộ cá nhân được sản xuất tại Việt Nam cho Mỹ. Khi chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô hàng đầu tiên gồm hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont từ Hà Nội tới Mỹ để giải quyết nhu cầu khẩn cấp đối với trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên tuyến đầu ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Mỹ, Đại sứ Mỹ Dan Kritenbrink đã nêu rõ, chuyến hàng này giúp bảo vệ các chuyên gia y tế làm việc trên tuyến đầu chống lại dịch tại Mỹ và chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Mỹ-Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam đã làm tất cả những gì tốt nhất có thể để hỗ trợ y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước ở nước ta, trong đó có việc chữa trị thành công cho nhiều trường hợp mắc Covid-19. Đặc biệt là trường hợp mắc bệnh rất nặng của phi công người Anh làm cho hãng hàng không Vietnam Airlines, mà Bộ Y tế mới đây đã đặt mua thuốc hiếm điều trị đông máu từ nước ngoài về do trong nước chưa có để điều trị cho bệnh nhân này với phương châm nỗ lực tối đa “còn nước còn tát”. 

Khi cùng chồng là ông Dixong John Garth (74 tuổi, từng có tình trạng rất nặng phải thở máy) xuất viện vào tối 13-4 để lên đường về Anh, bà Shan Garth đã bày tỏ sự xúc động và biết ơn sâu sắc về những bác sĩ, nhân viên y tế mà bà cho là những người “thật tuyệt vời, họ đã cứu tôi”. Bà Shan xúc động lúc chia tay: “Thật tuyệt vời, cận kề sinh tử mà chồng tôi vẫn còn sống. Chúng tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được gặp y, bác sĩ Việt Nam. Quả là điều kỳ diệu, tôi chỉ muốn nói: Cảm ơn! Cảm ơn rất nhiều!”.

Quyết tâm, nỗ lực cao độ để phòng chống dịch Covid-19, song Việt Nam cũng luôn hết mình trong hợp tác quốc tế, sẻ chia và giúp đỡ các quốc gia, bạn bè quốc tế. Đó là thông điệp về tình đoàn kết, cam kết và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến cam go với đại dịch hiện nay.