Trẻ hóa cấp ủy: Không thể là “nhiệm vụ bất khả thi” (5)

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, xóa lợi ích nhóm trong công tác cán bộ

ANTD.VN - Ngoài việc giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, những người được Đảng tín nhiệm, bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo khi tuổi đời còn rất trẻ cần phải có bản lĩnh vững vàng để không bị cám dỗ bởi vật chất tầm thường.

Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ trẻ

Không có nhiều quận, huyện của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đạt được kết quả đáng khích lệ về trẻ hóa cấp ủy như quận Hà Đông mà chúng tôi đã đề cập ở bài báo trước. Những khó khăn, thách thức phải vượt qua là rất lớn, đòi hỏi phải có chiến lược dài hạn, quyết tâm và cả sự dũng cảm từ các cấp lãnh đạo.  

Những kinh nghiệm quý từ địa phương

Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hà Đông Nguyễn Tiến Quyết nhớ lại, năm 2010, giai đoạn bắt đầu triển khai Đề án “Trẻ hóa đội ngũ cán bộ quản lý quận” tại Hà Đông, tâm lý của một số lãnh đạo các cơ quan của quận còn e dè nhất định trong việc sử dụng cán bộ trẻ. Khi đó, nguồn cán bộ trẻ sẵn có ở các phường có đủ tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy, giữ vị trí chủ chốt rất thiếu nên giải pháp chủ yếu là điều động, luân chuyển người trẻ từ các phòng, ban của quận về tham gia cấp ủy ở cơ sở. 

Dù vậy, ở thời điểm đó, do đây còn là chủ trương mới, chưa phổ biến, nên cán bộ trẻ từ quận được điều về các phường để giữ vị trí chủ chốt gặp rất nhiều áp lực, khó khăn do tâm lý cục bộ địa phương hay sự hoài nghi từ chính người dân sở tại. Một vài cán bộ trẻ được cử về tham gia cấp ủy ở các phường khi gặp những tình huống khó cũng tỏ ra lúng túng, thậm chí có sai phạm. Cũng có cán bộ trẻ khi được điều động về cơ sở phát sinh tâm lý không muốn đi… 

Những khó khăn này sau đó đều được tháo gỡ và tính đúng đắn của chủ trương trẻ hóa cấp ủy ở Hà Đông dần được khẳng định và phát huy hiệu quả. Đa số cán bộ trẻ sau khi luân chuyển về các phường, qua môi trường rèn luyện ở cơ sở đã trưởng thành, phát triển hơn, sau đó quay trở lại quận giữ những vị trí quan trọng, thậm chí trở thành cán bộ chủ chốt của quận hiện nay.

Vậy đâu là bí quyết để Hà Đông trở thành điểm sáng trong việc thực hiện chỉ tiêu về công tác trẻ hóa cấp ủy mà nhiều địa phương khác đang gặp khó khăn? Từ thực tiễn và bài học kinh nghiệm ở địa phương, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hà Đông Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, để triển khai thành công chủ trương trẻ hóa cấp ủy, có 4 điểm mấu chốt phải lưu ý. Đầu tiên là người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền ở địa phương, cơ quan, đơn vị phải có nhận thức đúng đắn và quyết tâm cao trong việc sử dụng cán bộ trẻ. Từ đó, sẽ lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, bố trí cán bộ; quan tâm đào tạo và mạnh dạn tin tưởng giao việc, thử thách, sử dụng cán bộ trẻ. 

Tiếp đó, trong quá trình sử dụng cán bộ trẻ giữ các vị trí chủ chốt tại các đơn vị, địa phương, phải thường xuyên quan tâm đánh giá cán bộ, đi liền với kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của họ để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời vướng mắc, không để cán bộ có sai phạm rồi mới xử lý. 

Cuối cùng, muốn sử dụng cán bộ trẻ hay không trẻ, điều quan trọng nhất vẫn là do yếu tố con người, tức phải có đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và bản thân người cán bộ trẻ được tin tưởng phải chứng minh được năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của mình.

Nêu giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ trẻ hóa cấp ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho rằng, trước hết, phải khẳng định chủ trương trẻ hóa cán bộ là chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Coi chừng “nâng đỡ không trong sáng”

Là Thành ủy viên trẻ nhất của Thành ủy Hà Nội khóa XVI, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng cho rằng, công tác cán bộ không phải là chuyện “một sớm, một chiều” mà đòi hỏi quá trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lâu dài. Ở đâu thực sự quan tâm, có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để người trẻ có cơ hội bộc lộ tài năng, khẳng định bản thân và được nhận diện thì ở đó số lượng và chất lượng đội ngũ cấp ủy trẻ ngày càng tăng.

Đánh giá cao vai trò của người đứng đầu trong chủ trương trẻ hóa cấp ủy, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng được quy hoạch, bồi dưỡng, phát triển thì cấp ủy, đặc biệt là người lãnh đạo cấp ủy đó phải thể hiện được sự khách quan, công tâm trong công tác cán bộ. 

Việc tạo điều kiện để cán bộ trẻ được rèn luyện, thử thách cần được hiểu là đặt người trẻ vào hoạt động thực tiễn nhưng cũng phải phù hợp với kiến thức, năng lực; bố trí chức vụ từ thấp đến cao, không “đi tắt, đón đầu”. Khi chưa có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, dứt khoát không bố trí người trẻ vào cương vị người đứng đầu, làm cho người được giao nhiệm vụ vừa khó khăn, lúng túng trong điều hành, vừa làm suy giảm uy tín đối với người đồng cấp và người dưới quyền.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, thời gian tới, cần thực hiện hiệu quả chủ trương luân chuyển cán bộ gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương. Việc này sẽ ngăn chặn được tình trạng cục bộ, ưu ái người nhà, người thân nhằm lợi dụng chủ trương của Đảng về cán bộ trẻ để “nâng đỡ không trong sáng” người trẻ, ảnh hưởng tới công tác cán bộ và điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Thiếu bản lĩnh, sẽ bị quyền lực “nuốt chửng”

Nói đi cũng cần nói lại, đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, bên cạnh những “rào cản” mang tính khách quan, trong câu chuyện “khó khăn khi trẻ hóa cấp ủy”, nguyên nhân tự thân từ phía người trẻ cũng rất quan trọng. 

Thực tế, có không ít cán bộ trẻ sau khi vào được cấp ủy, đáng tiếc lại “dính” vi phạm, bị kỷ luật.  Thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân, số cán bộ trẻ này rất dễ sa ngã trước những cám dỗ về vật chất, quyền lực. Những bài học đáng tiếc về công tác cán bộ vừa qua như trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, một trong những Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước đã bị kỷ luật Đảng bằng hình thức cách chức và sau đó là bãi nhiệm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, là ví dụ điển hình. 

Đánh giá một cách khách quan, không ít trường hợp cán bộ trẻ bị kỷ luật đã từng được đặt nhiều kỳ vọng, được dự báo sẽ trở thành thế hệ kế cận, tiếp nối sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của lớp cha anh đi trước và đều là những người có tiềm năng. Tuy nhiên, do thiếu bản lĩnh chính trị, họ đã nhanh chóng bị quyền lực tha hóa, rơi vào vòng xoáy vi phạm, bị kỷ luật, cách chức…

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh, việc thi hành kỷ luật một số cán bộ cấp ủy trẻ gần đây, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược đã để lại bài học sâu sắc về kiểm soát quyền lực, về ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ. Rõ ràng, sau khi vào được cấp ủy rồi, người trẻ còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức để có thể trưởng thành và hoàn thiện mình, xứng đáng với sự tin tưởng của tổ chức đảng.

“Lựa chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ trẻ là việc làm phù hợp xu thế và quy luật phát triển. Thế nhưng, đi đôi với việc tạo điều kiện thì chúng ta cần cơ chế, chế tài kiểm soát, giám sát quyền lực, để cán bộ trẻ phát huy năng lực, trí tuệ, đồng thời tôi luyện khả năng đề kháng trước những cám dỗ tầm thường. Chọn đúng người đã là việc khó, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ như thế nào, để khi họ được trao quyền mà không bị tha hóa lại cần cả quá trình lâu dài” - đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh nêu quan điểm.

Phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 35 tuổi đối với cấp xã) từ 10% trở lên. Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài.

“Cán bộ tại chỗ dù có khách quan, muốn liêm khiết, thì khi thực hiện công vụ cũng ít nhiều sẽ bị tác động bởi các mối quan hệ sẵn có. Tất nhiên, khách quan trong công tác cán bộ không có nghĩa là cực đoan đến mức người nhà cán bộ lãnh đạo chủ chốt không được tham gia cấp ủy. Vấn đề đặt ra là phải xem xét con người cụ thể xem có xứng đáng hay không và việc quy hoạch, bổ nhiệm đó phải thực sự khách quan”. 

  Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh 

“Muốn có được cán bộ cấp ủy trẻ, trước tiên, phải làm tốt công tác đánh giá cán bộ, từ đó lập quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí sử dụng. Bên cạnh việc đánh giá theo quy định chung, huyện Chương Mỹ còn thực hiện đánh giá cán bộ theo nhiều hướng đo lường mức độ tín nhiệm: cấp trên đánh giá cấp dưới, cấp dưới đánh giá cấp trên, đánh giá chéo giữa các cơ quan, đơn vị… Cùng với đó, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát… để người được chọn trưởng thành qua thử thách, vững vàng trước những cám dỗ vật chất tầm thường”.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường