- 66 tác phẩm mỹ thuật ra mắt tại triển lãm"95 mùa xuân có Đảng"
- Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng
- "Hòa sắc 2024" - Thầy cô trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam bày tranh triển lãm
Say mê khám phá tính kỳ ảo của sơn mài
Phạm Ngọc Mỵ có quá trình học nghệ thuật bài bản. Chị tốt nghiệp Sư phạm trường Cao đẳng Nghệ thuật Nam Định năm 2003. Sau đó, Mỵ tiếp tục học khoa Sư phạm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và tốt nghiệp năm 2007. Chưa dừng lại, chị tiếp tục học Cao học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chuyên ngành Hội họa và tốt nghiệp năm 2012. Dù chuyên ngành Mỵ học là để trở thành cô giáo nhưng chị lại có duyên với sơn mài truyền thống, một chất liệu không dễ làm chủ.
Cùng với công việc dạy học, chăm lo cho tổ ấm của riêng mình, Mỵ vẽ say mê. Chị thuê xưởng vẽ gần nơi ở để tiện bề lo toan giữa cuộc sống và nghệ thuật.. Chị thường dạy học một tuần 2 buổi, còn lại tất cả thời gian dành cho sáng tác tranh ở xưởng, chị vẽ cả thời gian buổi tối và ban đêm bởi sơn mài cần độ ẩm để làm khô nên Mỵ thường vẽ tranh vào thời gian này. Với chất liệu có độ kỳ ảo, khó nắm bắt như sơn mài lại hấp dẫn Phạm Ngọc Mỵ như điếu đổ. Chị cho biết, cái thú vị khi vẽ sơn mài là mình khó đoán biết được màu sắc của bức tranh sau khi được mài đi. Vàng, bạc, vỏ trứng được chôn dưới lớp lớp sơn, sau khi mài giũa sẽ mang lại hiệu quả thị giác rất bất ngờ. Và chính cái bất ngờ đó khiến chị say mê tìm tòi, khám phá, hết bức tranh này đến bức tranh khác.
Giai đoạn đầu, chị bắt đầu bằng những bức tranh phong cảnh miền núi bình dị, với bố cục chặt chẽ, kết cấu mảng rõ ràng. Chị khéo léo kết hợp hiện thực và trang trí một cách đẹp mắt, đó là các tấm vải, váy thổ cẩm thường xuất hiện cùng chất đá cao nguyên đá trùng trùng điệp điệp. Mảng đề tài “bến thuyền” cũng hấp dẫn nhờ nhịp điệu buồm khỏe khoắn cùng các mảng son “chạy” vui mắt. Chị tạo chất khá giỏi, nhất là tả núi đá. Phạm Ngọc Mỵ đã mạnh dạn lựa chọn sơn mài làm chất liệu thể hiện đồ án tốt nghiệp Đại học với điểm số cao. Từ sự thành công này, nữ họa sĩ tiếp tục dấn thân ở các mảng đề tài khác như chân dung, nude…
Họa sĩ Phạm Bình Chương nhận xét, Phạm Ngọc Mỵ là một cô giáo dạy mỹ thuật, vậy nên tranh cô có cái chuẩn mực của người làm nghề và có cái tình của phụ nữ. Những đề tài cô chọn rất dung dị, như chính cuộc sống của mình. Nó có thể được lấy cảm hứng từ những chuyến đi thực tập, hay đơn giản là từ những bài giảng trên lớp, thậm chí là từ những bài học cơ bản. Ví dụ là môn hình họa chẳng hạn. Chỉ từ bài nghiên cứu mẫu, cô có thể biến nó thành tác phẩm nghệ thuật, với việc đơn giản hóa về hòa sắc và bố cục. Thật vậy, nghệ thuật không cần cao xa hay to tát gì. Chỉ cần ta yêu nó, thành thực với nó là được.
20 năm dấn thân cùng chất liệu hội họa truyền thống
2025 là năm đánh dấu 20 năm Phạm Ngọc Mỵ vẽ sơn mài. Để tạo dấu ấn, chị đã tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên – “Nét son” giới thiệu 40 bức, trong gia tài hơn 60 tác phẩm sơn mài của Phạm Ngọc Mỵ, trong đó có nhiều bức tranh sơn mài khổ lớn, lớn nhất tới 1,6x2,4m, cho thấy sự đam mê và đầy năng lượng sáng tạo của nữ họa sĩ. Chị say mê đề tài phong cảnh, cuộc sống miền biển và miền núi, bên cạnh đó chị cũng trình làng những bức chân dung, nude vô cùng ấn tượng.
Tại đây, người xem sẽ hòa mình vào bức tranh bình minh của “Biển Tĩnh Gia”, theo chân họa sĩ đến “Bản Mòn”, “Bản Thẳm”, để cảm nhận được “Nếp nhà” bình yên mà nhọc nhằn đến mấy khi quay trở về ta đều an nhiên, cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử trong “Khởi sinh”… Và trân quí biết bao khi được cảm nhận nét “nude” đầy nghệ thuật trong vẻ đẹp của các thiếu nữ sơn cước với các tác phẩm: “Tắm”, “Sắc duyên”, “Nổi loạn”, “Thanh xuân”…
Chia sẻ về triển lãm, họa sĩ Phạm Ngọc Mỵ cho biết, chị quyết định lựa chọn sơn mài truyền thống khi được khởi nguồn cảm hứng từ đề tài khóa luận tốt nghiệp “Khai thác tính năng của chất liệu trong các thể loại hội họa” do giáo sư Phạm Công Thành hướng dẫn. Lúc đó mong muốn lớn nhất của chị là được lưu giữ lại một nghệ thuật truyền thống đang bị mai một dần trước cuộc sống hiện đại. Đây là kết quả của một quá trình sáng tác miệt mài gần 2 thập kỷ, một hành trình Ngọc Mỵ đã theo đuổi và đam mê sơn mài truyền thống.
“Tôi muốn gửi đến người xem "những đứa con tinh thần" mà tôi đã vẽ bằng tất cả những cảm xúc, sự thăng hoa. Có thể là những khoảnh khắc, có thể là những khung cảnh, nét “nude” nghệ thuật... nhưng đó là góc nhìn của riêng tôi được gửi vào hội họa. Qua đây, tôi cũng mong muốn lan tỏa nghệ thuật sơn mài truyền thống đến với độc giả mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi muốn gửi đến thông điệp nho nhỏ với các bạn trẻ "Văn hóa truyền thống tuy nhọc nhằn nhưng bền vững với thời gian", nữ họa sĩ nói.
Triển lãm diễn ra từ ngày 2/3 đến ngày 11/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
![]() |
Tác phẩm "Phơi vải" |
![]() |
Tác phẩm "Chợ chiều" |
![]() |
Tác phẩm "Phong cảnh Sa Pa" |
![]() |
Tác phẩm "Cảnh Tĩnh Gia" |
![]() |
Tác phẩm "Chiều về bản" |