Nét đồng điệu trong tranh sơn mài

ANTĐ - Là những người bạn lâu năm trong nghệ thuật, nhưng cho đến bây giờ nhóm 4 họa sỹ Nguyễn Văn Chiến, Trần Quang Hải, Trần Phi Trường và Nguyễn Trường Linh mới có chung một cuộc triển lãm mang tên “Tứ tấu”. Dù mỗi người một phong cách, nhưng giữa họ có sự đồng điệu kỳ lạ, đó là bởi sơn mài đã đưa họ đến với nhau.

Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Tứ tấu”

Miệt mài đi thực tế

Gặp nhóm họa sỹ “Tứ tấu” vào một buổi sáng chớm lạnh, cảm giác như được tham dự một cuộc “café nghệ thuật”. Kiệm lời khi nói về mình, nhưng khi được hỏi về quan điểm hội họa, về những chuyến đi thực tế dài ngày để sáng tác… ai nấy đều say sưa. Họa sỹ Văn Chiến – người anh cả của nhóm hào hứng, “Chúng tôi đi nhiều, có chuyến ngủ trong rừng”. Chính vì yêu mến những cảnh nông thôn, núi rừng, ông thường xuyên rong ruổi trên những cung đường Tây Bắc, từ Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.... Ông chia sẻ, chuyến đi nhớ nhất chính là cùng với người bạn chí cốt Quang Hải. Lần đó, đi lên Bát Xát, huyện xa nhất của tỉnh Lào Cai.

Trời tối, đường gập ghềnh khó đi, hai lần lốp xe bị hỏng phải dừng lại giữa chừng để thay. Lần thứ hai đi cùng một thanh niên dân tộc Hà Nhì đến tận thị xã Lào Cai cách đó khoảng 100 cây số để thay lốp, cả hai phải ngủ lại giữa rừng. Một kỷ niệm khác là cùng họa sỹ Trường Linh tham gia trại sáng tác về lực lượng vũ trang. Đi đến các doanh trại phòng không không quân, các binh chủng pháo binh, đi trên những triền đồi trực tiếp xem những chiến sỹ tập trận giữa cái nắng như thiêu như đốt. Thành quả của những chuyến đi đáng nhớ là một kho dữ liệu dày dặn về thiên nhiên, cuộc sống, được lưu lại bằng cả trăm tấm ảnh và tranh ký họa. Và không ít những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Tứ tấu” lần này thấm đẫm bởi những giọt mồ hôi, nỗi vất vả và niềm say nghề của những cuộc rong ruổi dài ngày như vậy. 

Vẽ bằng cảm xúc

Khi được hỏi giữa vô số những triển lãm được mở ra hiện nay, thì “Tứ tấu” thu hút người xem bằng cái gì, nhận được câu trả lời đơn giản từ họa sỹ Phi Trường - “Chúng tôi vẽ bằng cảm xúc”. Thật vậy, đến với thế giới của “Tứ tấu”, người xem dễ tìm được sợi dây kết nối với những đề tài tưởng chừng như muôn thuở nhưng được thể hiện lại với đầy đủ những cung bậc cảm xúc khoáng đạt, tha thiết, dằn vặt… Đó chợ quê mái lá mong manh, là cây bàng mùa đông hiu hắt, là vũ điệu cao nguyên chan hòa nắng gió, là hình ảnh người phụ nữ ẩn hiện, ma mị… Ấn tượng hơn cả phải kể đến những bức tranh bằng vỏ trứng của họa sỹ Văn Chiến.

Chỉ bằng thao tác nướng trên lửa, vỏ trứng đã tô điểm cho những bức tranh của ông những sắc độ khác nhau, từ màu vàng non, màu nâu sậm cho đến ghi xám buồn bã. Những sắc độ ấy hòa quyện lại tạo nên những nét trầm mặc, cổ kính của từng làng quê, thôn bản nơi ông đặt chân qua. Đối lập với sự hoài cổ của người đàn anh, họa sỹ Trường Linh lại gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ bằng việc sử dụng những gam màu nóng để phác nên những đường nét táo bạo trên cơ thể người phụ nữ với một thế giới nội tâm đầy suy tư, trăn trở. Gặp nhau trong việc thể hiện cái đẹp của người phụ nữ, nhưng họa sỹ Quang Hải theo đuổi lối vẽ tư duy triết học với một thế giới thăm thẳm, huyền bí. Và trong bức tranh không gian đa sắc diện ấy, họa sỹ Phi Trường theo đuổi một sự bay bổng, đôi khi là khá ước lệ với những khung cảnh chợ quê khi nhộn nhịp, tất bật, khi đìu hiu, xa vắng, nhưng tất cả đều mang hơi thở làng quê Việt Nam. 

Chính những ấn tượng, xúc cảm tạo ra khi ngắm nhìn từng nét vẽ trên bức tranh mới thấy đây chính là sợi dây kết nối những phong cách tưởng chừng như đối lập. Dù có chênh lệch về tuổi đời, tuổi nghề nhưng chính nhờ các tác phẩm, những người họa sỹ này đã tìm đến với nhau để cùng tạo nên một bản giao hưởng đặc sắc của dòng tranh sơn mài.  

Triển lãm “Tứ tấu” của 4 họa sỹ Nguyễn Văn Chiến, Trần Quang Hải, Trần Phi Trường và Nguyễn Trường Linh với gần 40 bức tranh sơn mài độc đáo sẽ được khai mạc vào 16h30 ngày 22-11 tại tầng 2, Nhà triển lãm Mỹ thuật số 16 Ngô Quyền, Hà Nội.