Nepal: Kinh hoàng đường dây kinh doanh da người

ANTD.VN - Theo kết quả điều tra độc lập của trang tin tức Ấn Độ Youth Ki Awaaz (YKA), nhiều phụ nữ người Nepal đã bị lừa bán da của họ với mức giá 150USD cho 130cm2 để làm nguyên liệu sử dụng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, chủ yếu cho những ca phẫu thuật tăng kích cỡ ngực và dương vật.

Nepal: Kinh hoàng đường dây kinh doanh da người ảnh 1Những người phụ nữ nghèo ở Nepal thường bị bán sang Ấn Độ làm gái mại dâm hay bị ép bán thận, bán da

Đi bán da mình, rơi vào động mại dâm

3 năm trước, khi Sushila Thapa chạy trốn khỏi một nhà chứa ở Mumbai, trở về làng quê ở Nepal, cô chẳng mấy quan tâm đến các vết sẹo lớn trên lưng mình. Bởi với cô, điều quan trọng hơn cả là đã được trở về nhà.

Một năm sau khi trở về quê hương, tình cờ Thapa nhìn thấy một người phụ nữ cùng quê cũng có một vết sẹo dài ở lưng. Lấy hết cam đảm tìm hiểu, Thapa mới phát hiện ra sự thật, da của mình và của người phụ nữ kia đã bị đem bán làm nguyên liệu sử dụng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, chủ yếu cho những ca phẫu thuật tăng kích cỡ ngực và dương vật.

Sushila Thapa tiết lộ với phóng viên của trang tin tức Ấn Độ Youth Ki Awaaz (YKA) rằng, cô đã “bán” một mảnh da khoảng 50cm2 với giá 10.000 rupee. Nhờ có số tiền này mà cô đã trả được nợ. Và cũng chính kẻ mua da của Thapa đã đưa cô vào con đường hoạt động mại dâm để kiếm tiền.

Những tưởng sau những năm tháng khổ nhục làm gái mại dâm nơi xứ người, khi trốn thoát, trở về quê hương Thapa sẽ tìm được chốn bình yên. Nhưng sự thực phũ phàng, Thapa bị dân làng kinh miệt, thậm chí còn xua đuổi.

Không nghề nghiệp, không tài sản, lại “dị dạng” bị khuyết một miếng da to ở lưng, để có thể kiếm tiền nhiều hơn, được an toàn hơn, chẳng còn lựa chọn nào khác, Thapa lại tìm đến kẻ đã “mua da” của cô năm xưa. Thapa được dẫn vào làm nhân viên của một  hiệu massage trong khu du lịch Thamel ở Kathmandu.

Những nạn nhân bị… trộm da

Trước đây, báo chí cũng thường xuyên ghi nhận các vụ buôn bán phụ nữ nghèo Nepal sang Ấn Độ để làm lao động, gái mại dâm, hay thậm chí để bán thận. Tuy nhiên, những trường hợp nữ giới bị lừa bán mô da người là rất hiếm.

Theo báo cáo của YKA, đã có phụ nữ Nepal bị bán cho các nhà thổ ở những thành phố như Mumbai của Ấn Độ. Sau đó, họ buộc phải bán da. Một số nạn nhân cho hay, họ đã bị đánh thuốc mê và hoàn toàn không biết gì về việc mình đã bị mất một mảng da trên cơ thể.

“Thị trường chợ đen mua bán da người có nhu cầu rất lớn. Ở Delhi và Mumbai, mỗi mảnh da khoảng 650cm2 được bán với giá khoảng 50.000 tới 100.000 rupee. Những kẻ môi giới sẽ đưa những nạn nhân tới biên giới Ấn Độ - Nepal. Từ đây, những tay môi giới khác sẽ đưa họ tới Ấn Độ và trao cho một bên thứ ba.

Những người này sau đó sẽ lấy da của những người phụ nữ Nepal. Các nạn nhân buộc phải ký vào một tờ giấy trong đó xác nhận họ đã hiến tặng da chứ không phải hoạt động mua bán”, Prem Basgai - 40 tuổi, một kẻ trong đường dây buôn bán trên khai tại nhà tù quận Kabrepalanchowk. Theo lời Basgai, mỗi một mảnh da người đạt yêu cầu, anh ta kiếm được 30.000 - 50.000 rupee. Trong khi anh ta chỉ mất 5.000 rupee để mua nó.

Một nạn nhân may mắn trốn thoát cho hay, phụ nữ và trẻ em sẽ bị thủ tiêu nếu cố gắng bỏ chạy. Thậm chí, những kẻ thủ ác còn lấy mô da từ người chết mà không hỏi ý kiến thân nhân của họ.

“Khi bị lấy da, các nạn nhân thường bị đánh thuốc mê và trói vào giường. Việc đầu tiên mỗi người làm sau khi hồi tỉnh là chạy “thừa sống thiếu chết” đến nỗi không còn nhớ ra việc kiểm tra xem trên cơ thể có khuyết miếng da nào không”, Rekha - một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, từng bán thận, rồi sau đó bị bán cho nhà thổ ở Mumbai và Kolkata, nói.

Một số nạn nhân đã bị bắt cóc và buộc phải trải qua các ca phẫu thuật. Hoặc, họ có thể bị lừa để tin rằng họ cần phải thực hiện các ca phẫu thuật khác và bị lấy trộm… da.

Khi nạn nhân phát hiện mình bị mất một mảnh da, những kẻ này sẽ dùng một khoản tiền nhỏ gọi là “bồi thường” hay “bồi dưỡng”, mà gọi trắng ra là để “bịt miệng”. Kusum Shrestha, 40 tuổi, từng bán da của mình cho một kẻ môi giới ở Nuwakot nói rằng, những kẻ buôn bán nội tạng có một mạng lưới chân rết rất chặt, khi chúng phát hiện ai dám đi đến cảnh sát tố giác thì bản thân người ấy và người thân trong gia đình đó chắc chắn không được yên ổn, thậm chí còn mất cả tính mạng.

Báo cáo của YKA cũng cho hay, những mô da sau đó được bán cho các phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu bệnh lý học ở Ấn Độ và tại đây chúng lại được “chế biến” và xuất khẩu sang các công ty của Mỹ. Những công ty này chuyên làm các sản phẩm da và mô dẫn được sử dụng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ.

Kumar Khadka, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ, Trẻ em và Phúc lợi Xã hội của Nepal nói với hãng tin Reuters hôm 9-3 rằng, vụ việc đã khiến giới chức chính phủ Nepal vô cùng phẫn nộ. “Chúng tôi đều bị sốc, khi nhận báo cáo về vụ việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra. Nếu điều đó là sự thật thì chính phủ sẽ nỗ lực hết sức nhằm ngăn chặn tội ác ghê tởm này và trừng phạt thích đáng những kẻ thủ ác”, Bộ trưởng Khadka nói.